Motorola Xoom - “Nạn nhân” kế tiếp của Apple

(Dân trí) - Dường như chưa cảm thấy thỏa mãn với chiến thắng quan trong trước Samsung, Apple lại tiếp tục mở một cuộc chiến pháp lý mới nhắm với mẫu tablet Motorola Xoom.

Hôm qua (10/8), Apple đã gây chấn động cả thế giới di động khi nhận được một phán quyết sơ bộ từ một tòa án Đức ra lệnh ngừng bán máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 10.1 trên phạm vi lãnh thổ châu Âu, ngoại trừ Hà Lan. Tuy nhiên, theo thông tin từ FOSS Patents, có vẻ như Apple chưa muốn dừng lại khi tiếp tục tìm cách để người dùng châu Âu không thể sở hữu chiếc máy tính bảng Xoom của Motorola. “Quả táo” vừa tuyên bố đã đệ đơn khiếu nại lên Liên minh châu Âu (EU) về thiết kế của Motorola Xoom cũng như JAY-tech, một công ty công nghệ Đức.
 

 

Motorola Xoom - “Nạn nhân” kế tiếp của Apple - 1


Động thái trên của Apple là một phần trong cuộc chiến pháp lý quy mô lớn hơn giữa Motorola và Apple. Năm ngoái, Motorola đã nộp đơn kiện Apple, tuyên bố các thiết bị iOS của gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã vi phạm khoảng 18 bằng sáng chế thuộc quyền sở hữu của Motorola. Tuy nhiên, Apple đã nhanh chóng “trả đũa” bằng một đơn kiện cáo buộc các thiết bị Droid của Motorola đã bi phạm hơn 6 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm của Apple. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã đồng ý xem xét lá đơn khiếu nại của Apple trong vụ việc này.

 

Những cuộc tranh chấp liên tục xảy ra đang làm gia tăng căng thẳng trong ngành công nghệ di động. Apple đã nhảy vào cuộc chiến bằng sáng chế với một số công ty công nghệ khác, trong đó có HTC, Kodak, và Samsung. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị Android cũng đang chịu nhiều áp lực từ Microsoft khi gã khổng lồ phần mềm thúc giục họ phải trả tiền bản quyền cho các thiết bị được bán trên thị trường để tránh những vụ kiện pháp lý có thể diễn ra trong tương lai.

 

Mới đây, David Drummond, Giám đốc phụ trách mảng pháp lý của Google đã đích thân “đăng đàn” tố cáo Apple, Microsoft và Oracele tiến hành một “chiến dịch thù địch, có tổ chức” nhằm chống lại hệ điều hành di động Android của hãng bằng cách sử dụng những bằng sáng chế không có thực. Ông này cho rằng bằng sáng chế dáng ra là tạo động lực cho sự đổi mới nhưng đang bị lạm dụng thành vũ khí để giết chết sự đổi mới. Nhiều nhà quan sát đã phản đối lập trường của David Drummond, họ cho rằng Google dường như chỉ nghĩ bằng sáng chế là điều tồi tệ nếu hãng bị buộc tội vi phạm chúng.

 

Võ Hiền

Theo Digitaltrends