Intel chính thức trình làng vi xử lý Core i7

(Dân trí) - Hôm nay, Intel sẽ chính thức ra mắt sản phẩm quan trọng nhất trong năm của hãng: vi xử lý Core i7. Dù vậy, tình hình kinh tế bi đát khiến nhiều người tự hỏi "liệu ai sẽ mua những chip "đời mới" này?"

Những chip cao cấp nhất của dòng Core i7 trình làng giữa lúc nền kinh tế các quốc gia phát triển nói chung, và ngành IT nói riêng đang rơi vào "đại hạn" tồi tệ nhất kể từ quả bong bóng dot.com khiến hàng ngàn công ty kinh doanh qua net phá sản hồi năm 2000. Bản thân Intel vừa phải hạ dự đoán lợi nhuận quí tới xuống còn 1 tỉ đô la. Các hãng khác đồng loạt tuyên bố cắt giảm nhân công.

Bất chấp điều đó, Intel vẫn tiếp tục kế hoạch đưa chip ra thị trường như đã dự trù. Sean Maloney, phó chủ tịch phụ trách kinh doanh-tiếp thị của hãng cho biết: "Bạn gượng dậy sau suy thoái bằng sản phẩm của ngày mai, chứ không phải hôm nay". Thậm chí, sức tiêu thụ chip giảm bớt lại giúp Intel đáp ứng nhu cầu thị trường "nhẹ nhàng" hơn. Nhưng dù rất tự tin, hãng vẫn phải điều chỉnh chiến lược, như ra mắt các chip core i7 cao cấp nhất tại Tokyo, Nhật Bản trước thay vì "chính quốc" Mĩ. Qua các đánh giá ban đầu, Core i7 sẽ đặc biệt hữu dụng trong các ứng dụng biên tập ảnh, video và giải trí (game).

Năm năm trước, khi Intel bắt đầu lên kế hoạch cho kiến trúc Nehalem sử dụng trong các chip Core i7, đối thủ AMD đang ở vị trí dẫn trước. Một trong các lợi thế của Opteron là sử dụng bộ điều khiển bộ nhớ nằm ngay trên vi xử lý thay vì tách rời lên chipset trên bo mạch chủ, khiến dữ liệu từ vi xử lý đến các thành phần khác bị "nghẽn cổ chai". Pentium 4 của Intel ngày đó cũng bị người dùng phàn nàn toả nhiệt và ngốn điện quá mức.

Intel phản pháo vào năm 2006 bằng kiến trúc Core tiết kiệm năng lượng "mượn" từ laptop, được thiết kế bởi các kĩ sư của hãng tại Isarel. Sản phẩm sau đó trình làng với tên Core 2 Duo. Cùng lúc đó, các kĩ sư thiết kế Nehalem tại Oregon, Mĩ đặt ra mục tiêu  đầy tham vọng cho Nehalem. Một trong các tính năng của Nehalem là tắt hoàn toàn một số lõi khi không có nhu cầu nhằm tiết kiệm năng lượng, cũng như tăng xung nhịp vượt mức thông thường khi yêu cầu tính toán nặng. Để thực hiện được điều đó, Intel sử dụng phần mềm điều tiết năng lượng trên thành phần gọi là vi điều khiển (microcontroller) nằm ngay trên vi xử lý, thay vì tách rời như thông thường. Bên cạnh đó, Intel cũng sử dụng bộ điều khiển bộ nhớ ngay trên chip tương tự Opteron của AMD, cùng ba kênh truyền tải dữ liệu tốc độ cao. Công nghệ "siêu phân luồng" Hyper Threading quay trở lại trên các chip Nehalem bổ sung thêm một nhân ảo bên cạnh mỗi nhân vật lý trên các chip Core i7 đa nhân. Dù Hyper Threading thể hiện không được như mong đợi trong quá khứ, việc công nghệ này có mặt trên chip Core i7 vẫn rất đáng ghi nhận.

Về phần mình, đối thủ truyền kiếp AMD vừa ra mắt sản phẩm với tên mã Shanghai dành cho máy chủ, thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất máy tính. Intel sẽ tung ra dòng chip Nehalem dành cho máy chủ vào năm tới, quyết tâm "đánh gục" AMD trên mọi mặt trận.

Hoàng Hải
Theo Wallstreetjournal