Hệ điều hành Android tròn 5 tuổi

(Dân trí) - Ngày 5/11 cách đây 5 năm đánh dấu sự ra đời của hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới hiện nay, Android. Cùng nhìn lại quãng thời gian 5 năm tồn tại và phát triển của hệ điều hành này.

5 năm về trước, vào ngày 5/11 /2007, Liên minh thiết bị cầm tay mở rộng (Open Handset Alliance - OHA), với 78 công ty phần cứng, phần mềm và viễn thông khác nhau, đã chính thức trình làng một nền tảng mới dành cho điện thoại di động, đánh dấu sự ra đời của nền tảng Android.

Liên minh thiết bị cầm tay mở rộng với sự góp mặt của các “ông lớn” như Google, T-Mobile, HTC, Motorola, Qualcomm, Intel, LG… đã đặt ra mục tiêu ban đầu cho nền tảng di động mới là “phát động sự đổi mới trên các thiết bị di động và mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt hơn với những gì sẵn có trên thiết bị di động hiện nay”.

Android đã có những bước phát triển vượt bậc trong 5 năm tồn tại
Android đã có những bước phát triển vượt bậc trong 5 năm tồn tại

Cũng tại sự kiện ra mắt phiên bản Android đầu tiên, Google đã công bố toàn bộ mã nguồn của nền tảng di động của mình. Phiên bản đầu tiên của Android có hơn 12 triệu dòng mã, trong đó có 3 triệu dòng mã XML; 2,8 triệu dòng mã C; 2,1 triệu mã Java và 1,75 triệu dòng mã C++… Trước đó, vào tháng 7/2005, Google đã mua lại công ty Android Inc, đánh dấu bước chân đầu tiên của Google vào lĩnh vực điện thoại di động.

“Công bố ngày hôm nay mang nhiều ý nghĩa và hoài bão hơn bất kỳ chiếc smartphone nào. Mong ước của chúng tôi là mang đến một nền tảng mạnh mẽ, sẽ mang lại sức mạnh cho hàng ngàn mẫu điện thoại khác nhau”, Eric Schmidt, CEO của Google vào thời điểm bấy giờ đã nói về sự ra mắt của Android.

Trong thời gian đầu ra mắt, rất ít người tin tưởng vào sự thành công của nền tảng Android cũng như khả năng cạnh tranh với các nền tảng di động thời bấy giờ như Windows Mobiles, Palm OS hay Symbian…

“Tôi không nghĩ rằng nó sẽ thành công”, Rory Reid, cựu biên tập trang công nghệ Cnet đã từng nhận xét về Android vào năm 2007. “Nền tảng di động mã nguồn mở đã từng được thử nghiệm và thất bại trước đây”.

Vào thời điểm ra mắt, mục tiêu của Android chính là “lật đổ” nền tảng Windows Mobile của Microsoft và Symbian của Nokia vẫn đang “làm mưa làm gió” trên thị trường di động vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, Android đang bỏ rất xa 2 đối thủ Microsoft và Nokia trên thị trường smartphone.

HTC Dream, chiếc smartphone chạy Android đầu tiên ra mắt trên thị trường
HTC Dream, chiếc smartphone chạy Android đầu tiên ra mắt trên thị trường

Tháng 10/2008, tức là gần 1 năm sau khi Android chính thức được trình làng, chiếc smartphone đầu tiên sử dụng nền tảng di động này được ra mắt, đó là chiếc smartphone HTC Dream (còn được biết đến với tên gọi T-Mobie G1), sản phẩm hợp tác giữa Google và HTC, được trình làng để xem như là đối trọng cạnh tranh  với iPhone đang rất “hot” trên thị trường di động kể từ khi phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 2007.

Trên thực tế, HTC Dream (sử dụng Android 1.0) không tạo được ấn tượng lớn trên thị trường, tuy nhiên cũng đã phần nào đặt được dấu ấn ban đầu về nền tảng Android, nhất là kho ứng dụng Android Market (ngày nay được đổi tên thành Google Play), cho phép người dùng dễ dàng cài đặt thêm các ứng dụng trên chiếc điện thoại của mình.

HTC tiếp tục là người tiên phong để đưa Android đến tay người dùng, với các dòng sản phẩm như HTC Desire, trước khi Samsung bước chân vào “cuộc  chơi” với dòng sản phẩm smartphone Galaxy. Samsung đã thực sự tạo được ấn tượng với người dùng bằng Galaxy S II, trước khi ra mắt “bom tấn” Galaxy S III vào năm nay.

Không chỉ dừng lại ở smartphone, Android của Google đã đặt chân lên cả máy tính bảng, với sự xuất hiện ngày càng nhiều máy tính bảng chạy Android trên thị trường, với nhiều mức giá và cấu hình khác nhau, đang dần uy hiếp sự “độc tôn” của iPad trên thị trường máy tính bảng.

Cứ mỗi năm, Google lại tiếp tục hợp tác với mỗi nhà sản xuất thiết bị di động để cho ra mắt những sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Nexus của mình, mà mỗi sản phẩm lại tiên phong chạy phiên bản Android mới nhất của hãng. Gần đây nhất, Google đã hợp tác dùng LG để cho ra mắt Nexus 4, chiếc smartphone đầu tiên chạy nền tảng Android 4.2, trước đó là chiếc máy tính bảng Nexus 7 do Asus sản xuất, sản phẩm đầu tiên được trang bị Android 4.1 Jelly Bean…

Nexus 4, chiếc smartphone mang thương hiệu Nexus mới nhất của Google
Nexus 4, chiếc smartphone mang thương hiệu Nexus mới nhất của Google

Không chỉ xuất hiện trên thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng, Android còn xuất hiện trên các thiết bị gia dụng khác như tivi, tủ lạnh hay các hệ thống điều khiển khác.

Với sự ra mắt của Android và sự phát triển không ngừng của nền tảng di động này đã đánh dấu một đối trọng với iOS của Apple trên thị trường di động, bên cạnh đó còn khiến Microsoft, Nokia hay RIM… phải “giật mình tỉnh giấc” để phát triển mạnh hơn những nền tảng di động của mình khi Windows Mobile, Symbian hay BlackBerry OS đang bị Android lẫn iOS bỏ quá xe trên cuộc đua di động.

Nexus 4, chiếc smartphone mang thương hiệu Nexus mới nhất của Google
Sau 5 năm tồn tại và phát triển, Android đang trở thành “vua” trên thị trường di động với hàng ngàn mẫu thiết bị khác nhau

Một vài con số về Android sau 5 năm ra đời và phát triển:

- Theo Google, hiện mỗi ngày có trung bình khoảng 1,3 triệu sản phẩm chạy Android mới được kích hoạt trên toàn cầu.

- Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn cầu có khoảng 570 triệu thiết bị sử dụng Android. 

- Trung bình mỗi người Mỹ sở hữu 2 thiết bị chạy Android (smartphone và máy tính bảng) và gần 1/10 dân số thế giới đang sở hữu thiết bị chạy Android.

- Theo Google, số lượng thiết bị Android sẽ cán mốc 1 tỷ trước khi nền tảng di động này cán mốc 6 tuổi. Như vậy Android sẽ mất ít thời gian hơn so với Facebook để cán mốc 1 tỷ người dùng (Facebook mất gần 8 năm để đạt được điều này). Điều này thực sự ấn tượng bởi lẽ tài khoản Facebook có thể đăng ký miễn phí, trong khi muốn sở hữu Android, người dùng sẽ phải mất khoản tiền để sở hữu thiết bị.

- Một điều khá thú vị đó là 2 phiên bản đầu tiên của Android, phiên bản 1.0 và 1.1 không được Google đặt tên mã. Chỉ đến khi phiên bản Android 1.5, Google mới bắt đầu sử dụng tên mã cho nền tảng di động của mình (Android 1.5 có tên gọi Cupcake). Hiện tại phiên bản Android 2.1 (có tên mã Eclair) vẫn còn chiếm 3,1% số thiết bị chạy Android trên toàn cầu. Phiên bản tiếp theo 2.2 Froyo vẫn còn chiến 12% số lượng thiết bị Android.

Mặc dù đã ra mắt khá lâu tuy nhiên Android 2.3 Gingerbread vẫn là phiên bản Android phổ biến nhất thế giới với 54% số lượng thiết bị Android. Đứng thứ 2 là Android 4.0 Ice Cream Sandwich với 25,8%. Nền tảng mới nhất Android 4.1 Jelly Bean hiện chỉ mới chiếm 2.7%.

- Google có thói quen lựa chọn tên món ăn để đặt cho các phiên bản Android của mình, đồng thời quy tắc đặt tên theo thứ tự alphabet, nghĩa là tên gọi của phiên bản sau sẽ là chữ cái đứng sau của phiên bản trước.

Cụ thể, tên gọi các phiên bản Android của Google là: Android 1.5 (Cupcake), Android 1.6 (Donut), Android 2.1 (Eclair), Android 2.2 (Froyo), Android 2.3 (Gingerbread), Android 3.0 (Honeycomb), Android 4.0 (Ice Cream Sandwich), Android 4.1 (Jelly Bean).

- Hiện tại số lượng ứng dụng trên kho ứng dụng Google Play của Google dành cho nền tảng Android là 700.000 ứng dụng.
- Có đến 8/10 thiết bị chạy Android phổ biến nhất thế giới thuộc dòng sản phẩm Galaxy của Samsung, bao gồm Galaxy S II, Galaxy S III, Galaxy S, Galaxy Note, Galaxy Y, Galaxy Ace, Galaxy Tab 10.1 và Galaxy Nexus.

Top 10 thiết bị chạy Android phổ biến nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại
Top 10 thiết bị chạy Android phổ biến nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại

Video nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin và Steven Horowitz, trưởng nhóm phát triển Android (nay đã rời bỏ Google) minh họa về các tính năng trên phiên bản Android đầu tiên:



Phạm Thế Quang Huy