Hàn Quốc tham gia triển khai chính quyền điện tử tại Đà Nẵng

(Dân trí)- Cơ quan Xúc tiến công nghiệp CNTT Hàn Quốc- quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử vừa chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng.

Sáng 30/9 Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, VP Kế hoạch và Hợp tác TP Deagu, Cơ quan Xúc tiến công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng.

Đại diện các bên liên quan cùng ký vào bản ghi nhớ gồm ông Phạm Kim Sơn – Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng; ông Yoo Seung Kyung -  Tổng Giám đốc Văn phòng Kế hoạch và Hợp tác thành phố Daegu và ông Lee, Hyun Seek - Phó Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến công nghiệp công nghệ thông tin cuốc gia Hàn Quốc (NIPA). Việc ký kết nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam-Hàn Quốc.

Theo đó nội dung hoạt động hợp tác giữa hai bên bao gồm: Hợp tác trong lĩnh vực chính quyền điện tử; Tạo điều kiện, cung cấp các dự án, nghiên cứu chung; Trao đổi chuyên gia, các đoàn học tập; Khuyến khích tạo liên kết với các tổ chức chính phủ khác, các tổ chức đào tạo, công nghiệp và chuyên ngành để thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực quan tâm và hợp tác; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, bao gồm các chương trình giáo dục và đào tạo cùng bất kỳ hình thức hợp tác nào khác do một trong hai bên đề xuất, thảo luận và đi đến quyết định chung.

Hàn Quốc tham gia triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng
Các bên cùng ký vào biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng 

Cũng theo thỏa thuận hợp tác tại Biên bản ghi nhớ này, NIPA sẽ thành lập và cử các đội công tác để thực hiện các nghiên cứu khả thi cho thành phố Đà Nẵng. Văn phòng Kế hoạch và Hợp tác thành phố Deagu cũng sẽ có kế hoạch hỗ trợ đội công tác. Chi phí cho công tác nghiên cứu khả thi (bao gồm chi phí đi lại, chi phí nơi ở và các chi phí khác), do mỗi bên tự chi trả. Thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ phương tiện di chuyển tại địa phương và nơi làm việc cho đội công tác; cũng như hỗ trợ đội công tác thông qua trao đổi, trả lời phỏng vấn, trả lời khảo sát hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng các hình thức khác.

Đặc biệt, Cơ quan Kế hoạch và Hợp tác thành phố Deagu cùng NIPA Daegu sẽ xúc tiến hỗ trợ dự án “Triển khai các ki-ốt (kiosque) cung cấp dịch vụ phát hành tự động các loại biểu mẫu giấy tờ” cho người dân (và kể cả du khách có nhu cầu) tại địa bàn Đà Nẵng. Đây là một phần của kế hoạch chuẩn hóa các dịch vụ CNTT và khai thác hiệu năng của chính quyền điện tử đã được Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thống nhất hợp tác triển khai. Thành phố Đà Nẵng được ghi nhận sẽ là điểm bắt đầu của dự án hợp tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông vào cải cách hành chính này tại Việt Nam, do chính các cơ quan hữu trách của Deagu, NIPA phối hợp với ngành hữu quan Đà Nẵng để cùng thực hiện.

Để công việc được thuận lợi, khi cần thiết có thể bắt tay ngay vào các dự án cụ thể, các bên cũng thống nhất xúc tiến thiết lập các đầu mối (đại diện) giữa các bên có liên quan.

“Hiện nay và trong những năm tới, việc đẩy mạnh ứng dụng, khai thác hạ tầng CNTT và truyền thông của thành phố Đà Nẵng vẫn tập trung vào lĩnh vực cải cách hành chính, làm sao để mô chính quyền điện tử thành phố hoạt động đồng bộ hơn, tối ưu hơn; tiện dụng và bảo đảm cao hơn tính hiệu quả. Buổi ký kết biên bản ghi nhớ hôm nay, mở ra môt cơ hội hợp tác mới và cũng nhằm vào mục tiêu nói trên. Chúng tôi cho rằng, với một môi trường hành chính công minh bạch, dễ tiếp cận, tính liên thông trong giải quyết thủ tục nhịp nhàng, rút ngắn thời gian đi lại, chi phí cho công dân, cho dại diện tổ chức và doanh nghiệp; chính là một trong những tiêu chí để tạo ra sự thân thiện, hấp dẫn và đáng sống của một thành phố. Hẳn nhiên, đó là cả một quá trình với nhiều giai đoạn, mà mỗi giai đoạn lại đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền”, ông Phạm Kim Sơn – Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT TP, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.     

Trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển CNTT, đặc biệt là về chính phủ điện tử, theo báo cáo năm 2010 của Liên hợp quốc về chính phủ điện tử, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử.

Khánh Hồng