Gặp người nông dân sáng chế máy chống trộm từ máy điện thoại

(Dân trí) - Chỉ trong 1 năm nhưng trộm đã viếng nhà liên tiếp đến 3 lần, một người nông dân sống tại Lâm Đồng đã mày mò và chế tạo thành công một thiết bị chống trộm.

Anh kỹ sư nông dân Nguyễn Văn Thanh
Anh kỹ sư nông dân Nguyễn Văn Thanh

Có công mài sắt, có ngày nên kim 

Câu ông bà ta nói muôn đời không bao giờ là sai. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp bài bản mà chỉ học lướt qua một khoá thợ ngang về điện tử lúc nhỏ. Sau đó là một khoá điện cơ và tự học hỏi kinh nghiệm về xe gắn máy. Nhưng nông dân Nguyễn Văn Thanh, 37 tuổi (sinh sống tại xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã chế tạo thành công một thiết bị chống trộm có thể gắn vào chiếc xe máy, sau 2 năm mày mò và nghiên cứu. 

Nói với Dân trí, anh Thanh cho biết: “Chỉ trong một năm mà nhà mình bị trộm thăm viếng liên tiếp đến 3 lần, lấy đi một số tài sản và tiền bạc. Từ đó mình nảy ý định và quyết tâm làm một cái thiết bị cảnh báo để chống trộm.” 

Công việc nghiên cứu và chế tạo của anh được bắt đầu từ năm 2008, tiêu tốn nhiều sức lực và tiền của nhưng anh không từ bỏ ý định và quyết tâm sáng chế ra cho bằng được, dù gặp phải nhiều thất bại. Đến năm 2009, mình cơ bản đã tạo ra một sản phẩm có thể dùng được nhưng không hoàn chỉnh như bây giờ”

Nói về những khó khăn gặp phải, anh Thanh nhớ lại: “Vì hoàn cảnh khó khăn, kiến thức lại hạn chế, nên khi bắt đầu vô cùng khó khăn mình mới tạo ra nó. Nói và nghĩ thì đơn giản vô cùng nhưng khi bắt tay vào mới thấy cực kì khó khăn. Bởi mình không biết nên bắt nguồn từ đâu cả, cũng chẳng có một thiết bị tương tự đơn giản có trên thị trường vào thời điểm đó để mình làm nền tảng nghiên cứu, mà hoàn toàn tự suy luận sao cho thiết bị phải đạt được an toàn và hiệu quả cho người dùng mà không ảnh hưởng đến thiết bị gì cả.”

“Cứ thế là mày mò và làm thôi. Mỗi lần thử nghiệm là phải mua một cái điện thoại mới, phải thử qua nhiều loại điện thoại khác nhau mới tìm được phần mềm thích hợp. Sau đó là viết ứng dụng của mình sao cho phù hợp với phần mềm điện thoại. Hư không biết bao nhiêu sản phẩm rồi, công sức nghiên cứu thì không kể siết.” Anh Thanh cho biết thêm. 

Cần cù hái quả ngọt

Anh kỹ sư nông dân Nguyễn Văn Thanh

Sau 1 năm nghiên cứu và chế tạo, hư hỏng không biết bao nhiêu chiếc điện thoại, tiêu tốn một số tiền mà anh Thanh cho là khá lớn vào thời điểm đó thì một sản phẩm chống trộm, mặc dù chưa được hoàn chỉnh đã ra đời vào năm 2009. Phải mất thêm 1 năm nữa, đến năm 2010, một sản phẩm ưng ý nhất và hoạt động ổn định như ý tưởng anh đã ấp ủ bao lâu thành công mỹ mãn. 

Anh Thanh cho biết: “Tận dụng sóng điện thoại để điều khiển nên không có nhiều chức năng phụ. Chỉ có máy chức năng chính nhưng rất độc đáo. Vì nó điều khiển không giới hạn về khoảng cách, nên bạn có thể sử dụng bất cứ lúc nào, mọi lúc mọi nơi, miễn là có sóng điện thoại."

Thiết bị của anh được gắn trực tiếp vào chiếc xe máy, được điều khiển bởi một số điện thoại cố định của chủ nhân của máy đó, tức chỉ có số máy đó mới có thể giải mã được. "Do đó, nhiều người dùng lầm tưởng rằng mình thiết kế một ứng dụng và điều khiển bằng một thiết bị điện thoại thông minh, đắt tiền. Trong khi thực chất sản phẩm dùng SIM và điện thoại phổ thông. Ai cũng có thể sử dụng được.” Anh Thanh nói thêm. 

Theo như lý giải của anh, anh đã thiết lập một trình điều khiển vào trong sản phẩm được “chế” ra, mọi sự điều khiển đều thông qua từng cuộc gọi được bố trí cho một chức năng riêng biệt từ chính chiếc điện thoại. 

"Hiện các sản phẩm được làm ra đều hoạt động ổn định và bắt trộm hoàn hảo. Mình cũng làm thêm một vài sản phẩm cho người quen đang sinh sống tại khu vực mình và ai nấy cũng thích thú và đón nhận”. Anh Thanh vui mừng cho biết. 

Mong được hợp tác và đưa sản phẩm đến tay người dùng

Không chỉ thiết kế sản phẩm chống trộm cho xe máy, anh “kỹ sư” nông dân này còn đang chế tạo ra những sản phẩm chống trộm khác dành cho nhà và một số sản phẩm thông minh điều khiển trong nhà. 

“Hiện nay mình đã viết xong ứng dụng đóng mở cửa cuốn cho các nhà kho, nhà lớn tích hợp chống trộm. Đồng thời mình còn làm được việc điều khiển tắt mở đèn, mô tô tưới nước, hay thậm chí tắt mở trạm điên nào đó… Tất nhiên đều được điều khiển qua sóng mạng di động và ai cũng có thể dùng dễ dàng.” 

Anh kỹ sư nông dân Nguyễn Văn Thanh

Tuy vậy, sản phẩm do chính bàn tay anh tạo ra cũng được đón nhận một cách nhiệt tình nhưng nhiều điều vẫn còn làm anh trăn trở khá nhiều. “Thật sự lúc nào cũng ngồi làm thủ công chế từng bộ như bây giờ cũng khá cực, sức khoẻ mình không được tốt… và làm nhiều không biết có nhà sản xuất nào đón nhận hay không?”

“Mình mong muốn gặp được các chuyên gia, đặc biệt chuyên ngành thiết bị chống trộm. Hi vọng được hợp tác và sản xuất đưa thiết bị ra thị trường để phục vụ cho xã hội”. 

Hiện theo tính toán của anh, giá thành thủ công cho 1 thiết bị chống trộm xe máy là 1,2 triệu đồng. 


Có 4 chức năng chính trong sản phẩm chống trộm trên xe máy tự chế của nông dân Nguyễn Văn Thanh: 

1. Kích mở thiết bị cài báo trộm và tắt máy xe từ xa nếu xe đang chạy. Chức năng này sẽ vô hiệu hoá việc khởi động máy, đồng thời không thể mở cốp xe. 
2. Kích hoạt chức năng dắt xe có báo động. Sẽ có 2 chức năng, khi chọn chức năng 1 sẽ có báo động nhẹ, vì sẽ có người nhích qua, nhích lại xe của mình, chống làm phiền người khác trong các bãi xe khi đi siêu thị hoặc đám tiệc. Chức năng số 2 là báo động khi nào xe độc lập một mình không có ai đụng chạm vào thì sẽ chọn chức năng này.  
3. Khi có kẻ trộm đột nhập vào xe mình, hệ thống tự gọi báo với điện thoại chủ như một cuộc gọi bình thường. Chức năng này sẽ gọi liên tục vào máy chủ nhận khi chưa nghe máy. Lúc này, hệ thống trong xe sẽ phát ra tín hiệu, nên trộm rất dễ bị bắt. 
4. Tắt toàn bộ thiết bị. 


Quốc Phan