Đồng loạt tăng cước 3G: Có dấu hiệu độc quyền nhóm!

(Dân trí) - 3 nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đã đồng loạt tăng 40% cước 3G gói "không giới hạn" từ ngày 16/10. Không thể nói hết sự thất vọng của người dùng đối với động thái này của ba "ông lớn" trên thị trường viễn thông.

Tăng giá cước là chuyện sớm muộn và tất yếu

Đối với truyền thông, không khó để biết trước được việc các nhà mạng sẽ tăng giá cước 3G bởi trước khi được Cục Viễn thông phê duyệt quyết định tăng giá cước 3G thì 3 ông lớn viễn thông đã liên tục đăng các bài PR trên các báo lớn với nội dung nói về việc họ đang phải chịu lỗ khi cước dịch vụ 3G quá thấp, không đủ doanh thu để tái đầu tư. Có vẻ như việc tăng giá cước 3G đã được thống nhất từ trước đó.

Nói về nỗi khổ khi phải chịu lỗ, đại diện một nhà mạng đã từng nói trong thời gian qua các nhà mạng chạy đua giảm giá cước để níu kéo khách hàng. Chính việc “níu chân” nhau bằng những gói cước giá thấp đã làm chính các nhà mạng tự “bắn vào chân mình”.

Mặc dù nhà mạng cho biết trong đợt điều chỉnh giá cước 3G lần này có nhiều gói cước giảm nhưng gói không giới hạn (Unlimited) là gói nhiều người sử dụng nhất thì tăng 40%.

Trong buổi Toạ đàm Vì sao tăng cước 3G do báo Infonet tổ chức hôm qua tại Hà Nội, đại diện 3 nhà mạng lớn cùng đại diện Cục Viễn thông đều cho rằng việc tăng giá cước 3G là chuyện sớm muộn và tất yếu.

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục Trưởng - Cục Viễn thông, cho biết đợt điều chỉnh cước 3G lần này áp dụng với 3 doanh nghiệp lớn chiếm 93% thị phần trên thị trường và đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012.

Đồng loạt tăng cước 3G: Có dấu hiệu độc quyền nhóm!
Tăng cước 3G đã gây bức xúc trong cộng đồng người tiêu dùng, vì vậy cơ quan chức năng cần phải xem xét lại vấn đề này.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết những doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế nên phải cung cấp dịch vụ trên giá thành theo nguyên tắc quản lý phi đối xứng. Bộ TT&TT không ấn định giá thành nhưng có ngưỡng để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ, giá bán không được dưới giá thành, còn giá cụ thể do doanh nghiệp đặt ra. “Chúng tôi cho rằng như vậy là chúng tôi bảo vệ thị trường. Có những nước để tự do cạnh tranh hoàn toàn và khi đó có sụp đổ thị trường, khi đó, người ta sẽ quay lại quy kết trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về viễn thông”, ông Trung nhấn mạnh.

Vấn đề Bộ TT&TT đặt ra là nếu các doanh nghiệp được phép bán dưới giá thành thì doanh nghiệp mới tham gia thị trường không có cơ hội để cạnh tranh. Theo quy định, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, đó là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp mới. Quy định như vậy để doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được phép chèn ép doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Trong khi đó, các nhà mạng cho biết việc tăng giá cước 3G là chuyện sớm muộn và tất yếu. “Nếu phải tăng giá cước bằng với giá thành sản xuất thì mức cước sẽ phải cao hơn 70.000 đồng”, ông Nguyễn Đình Chiến- P. Tổng Giám đốc- Công ty MobiFone, nói. Đại diện nhà mạng Viettel cũng cho rằng việc tăng giá cước là dấu hiệu cho thấy thị trường đã trưởng thành, và người dùng sẽ được sử dụng các dịch vụ tốt hơn vì các nhà mạng có nguồn vốn để tái đầu tư công nghệ, hạ tầng.

Có dấu hiệu của hành vi độc quyền nhóm

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông đã chia sẻ: Nhà mạng có thể tăng cước dịch vụ nếu như thực sự hoạt động kinh doanh của họ đã bị lỗ. “Nếu tính giá thành và giá cước có sự bất cân đối thì các nhà mạng có thể tăng giá cước vì nếu không họ không thể tái dầu tư được. Tuy nhiên, các nhà mạng nên công khai chi phí hoạt động cũng như giá thành thực tế của dịch vụ này trước khi ra quyết định tăng giá cước”.

Theo chuyên gia viễn thông này, ngành viễn thông Việt Nam vẫn còn lực đỡ để không cần thiết phải tăng giá vào lúc này. Nhà mạng vẫn có lợi nhuận lớn thì tại sao phải tăng giá cước. Hiện tại họ vẫn có thể kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ mới mức giá này để chờ đến khi độ phủ rộng hơn, hoặc chi phí đầu tư giảm dần xuống. Lúc đó hoạt động kinh doanh của họ vẫn có lãi.

“Với nhiệm vụ mục tiêu đưa CNTT là hạ tầng của hạ tầng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và 3G là hạ tầng viễn thông của Việt Nam thì thiết nghĩ thay vì Viettel đưa tiền ra nước ngoài đầu tư và lỗ lãi chưa biết, và VNPT đổ tiền để bù lỗ cho những dịch vụ yếu kém thì những đồng tiền đó chuyển vào nhân dân. Điều này là nên làm bởi vì 3G là hạ tầng viễn thông, giúp ích cho người dân, nâng cao cuộc sống xã hội”.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, nếu thực sự các doanh nghiệp đang chịu lỗ vì cước 3G thì họ có thể kêu gọi nhà nước để cắt giảm thuế cho lĩnh vực của mình vì đây không phải là mặt hàng tiêu dùng, mà là hạ tầng, hiệu ích xã hội mang lại rất nhiều.

Quan điểm của chuyên gia viễn thông cũng cho rằng nguồn cơn của việc các nhà mạng tăng giá cước 3G là có tác động từ các dịch vụ OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí, như Viber, WhatsApp, Zalo…. Do vậy, theo ông, các nhà mạng có thể tạo ra gói cước OTT (Ví dụ với mức cước 30.000 đồng/tháng). Lúc này những người không sử dụng dịch vụ OTT sẽ không bị ảnh hưởng từ việc tăng giá cước toàn cục.

Trong khi đó, trao đổi với báo Dân trí, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico, cho biết việc 3 nhà mạng cùng đồng loạt tăng giá trong cùng 1 thời điểm với 1 mức giá như nhau là có dấu hiệu của việc bắt tay độc quyền nhóm và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Luật sư Hải cho rằng đã có một số hành vi bất thường khi có sự trùng hợp đến như vậy.

Theo luật sư, Điều 9 trong Luật cạnh tranh cấm các doanh nghiệp nắm từ 30% thị phần trở lên mà áp đặt một mức giá bán hàng trực tiếp và gián tiếp. Quy định nêu rõ các thoả thuận làm hạn chế trạnh tranh là điều bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, Điều 13 Luật cạnh tranh cũng cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Rõ ràng, 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đang thống lĩnh thị trường với 93% thị phần.

Luật cạnh tranh cũng cho rằng hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng nếu cầu về hàng hoá, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp khi giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%; hoặc tăng nhiều lần với tổng mức tăng vượt quá 5% so với giá đã bán trước khoảng thời gian tối thiểu đó; Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá. Như vậy, thị trường dịch vụ 3G Việt Nam không có sự vượt ngưỡng khả năng cung cấp của các nhà mạng để có thể cả 3 ông lớn cùng bắt tay tăng giá cước.

Luật sư Hải cho rằng: “Tất cả các dấu hiệu trên cần phải điều tra xem xét. Kết luận đúng hay sai thì phải chờ các cơ quan cảnh lý cạnh tranh thị trường vào cuộc”.

Theo luật sư, thực tế lập luận của các nhà mạng về việc tăng giá cước là để bù lỗ sau 4 năm bán dịch vụ dưới giá thành là đúng về lý. Tuy nhiên, lý giải theo hướng thị trường, một doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau nhưng hướng tới một kết quả kinh doanh chung. Hành động tăng giá của nhà mạng gây phản ứng thị trường vì kết quả kinh doanh của các hãng viễn thông luôn luôn có lãi.
 
“Đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp là khách hàng, vì vậy, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là người tiêu dùng, việc người dùng phản ứng ghê gớm như vậy thì nhà mạng cần phải xem xét lại”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Sau khi các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G gói không giới hạn lên 40%, báo Dân trí đã thực hiện một cuộc khảo sát để biết được phản ứng của người dùng. Kết quả không gây bất ngờ khi chỉ trong 1 ngày, số lượng người tham gia bình chọn lên tới gần 8.000 và 92% trong số đó (7012 người) cho rằng đây là một hành vi độc quyền nhóm của 3 ông lớn, và sẽ không sử dụng dịch vụ 3G nữa. Chỉ có 4% (297 người) tin đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu trưởng thành, cước 3G tăng tức người dùng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn. 4% (335 người dùng) có ý kiến khác.

Khôi Linh

Khôi Linh