“Dạo quanh” thế giới công nghệ ngày 2/7

(Dân trí) - LG chuẩn bị mở rộng dây chuyền sản xuất LCD; HP trình làng máy trạm 6 lõi; Bing vẫn còn khiêm tốn so với “đàn anh” Yahoo và Google...

LG chuẩn bị mở rộng dây chuyền sản xuất LCD

 

Hãng sản xuất thiết bị điện tử Hàn Quốc đang dự định sẽ xây thêm một dây chuyền sản xuất tấm nền LCD màn hình phẳng mới khi thị trường dần phục hồi, doanh số TV tăng đáng kể.
 

 

“Dạo quanh” thế giới công nghệ ngày 2/7 - 1


LG cho hay hãng sẽ xem xét đưa ra quyết định mở rộng dây chuyền sản xuất tấm nền LCD “thế hệ thứ 8” (8G) vào cuối tháng 7 này.

 

Giá bán LCD đã bắt đầu hồi phục trong quý II vừa qua sau một thời gian dài tuột dốc. Các nhà sản xuất khác cũng tính chuyện tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng TV màn hình phẳng tại các thị trường phát triển và cả Trung Quốc.

 

Trong khi một số nhà sản xuất cho rằng công nghệ 8G vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng TV thì một số hãng, trong đó có AU Optronics Corp (Đài Loan) - nhà sản xuất LCD lớnn thứ 3 thế giới - đang dự định sẽ xây dựng dây chuyền mới sử dụng công nghệ 8.5G để sản xuất đại trà tấm nền panel vào năm 2011. Ngoài ra, Sharp cũng có kế hoạch, tháng 10 tới sẽ đầu tư 3,9 tỷ USD để xây dựng nhà máy LCD mới - đây sẽ là dây chuyền sản xuất tấm nền LCD “thế hệ thứ 10” (10G) đầu tiên trên thế giới.

 

Trong khi đó, Samsung đã bắt tay với Sony để thực hiện kế hoạch nâng cấp nhà máy sản xuất LCD 11G.

 

HP trình làng máy trạm 6 lõi
 

 

“Dạo quanh” thế giới công nghệ ngày 2/7 - 2


Hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới vừa ra mắt một dòng máy trạm xw9400 (workstation) sử dụng bộ vi xử lý Opteron 6 lõi của AMD.

 

Đây là máy tính đầu tiên được tích hợp chip Opteron (tên mã Istanbul) 6 lõi có thể xử lý tốt các chức năng điện toán cao, như hình ảnh 3D, chế tạo và khám phá địa lý.

 

HP xw9400 workstation còn có thêm nhiều loại chip tùy chọn, như Opteron 2000 4 lõi có xung nhịp từ 2.3GHz -3.1GHz. Hệ thống máy trạm này sẽ có giá bán khoảng 1.899 USD.

                                                                                                                                               

AMD ra mắt dòng chip Istanbul vào tháng trước tại triển lãm Computex (Đài Loan). AMD đang chạy đua tăng lõi cho vi xử lý, vừa cải thiện khả năng vận hành vừa giảm điện năng tiêu thụ để cạnh tranh với Intel. Intel cũng đã lên kế hoạch chi tiết trình làng chip 8 lõi Nehalem EX vào đầu năm 2010 - trong thời điểm này, AMD cũng sẽ sẵn sàng “xuất trình” chip 12 lõi có tên mã Magny-Cours.

 

Bing vẫn còn khiêm tốn so với “đàn anh” Yahoo và Google
 

 

“Dạo quanh” thế giới công nghệ ngày 2/7 - 3


Mặc dù công cụ tìm kiếm mới của Microsoft đã tăng thêm thị phần trong tháng 6 vừa qua nhưng vẫn còn thua xa Yahoo và Google. Theo khảo sát của StatCounter, thị phần trong tháng 6 của Bing tại Mỹ đạt 8,23%, tăng từ 7,81% của tháng 5 và 7,21% của tháng 4.

 

Trong khi đó, Google vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm trực tuyến với 78,48% thị phần trong tháng 6, giảm nhẹ từ 78,72% trong tháng 5 và 79,07% trong tháng 4.

 

“Xét bề nổi thì mức tăng 1% thị phần không thấm vào đâu so với số tiền mà Microsoft đầu tư để phát triển Bing, nhưng rõ ràng phản ứng của người dùng đối với công cụ mới này rất khả quan”, giám đốc điều hành Aodhan Cullen của StatCounter nhận xét. “Bing đang có những bước đi vững chắc”.

 

Theo StatCounter, hiện thị phần trên thị trường tìm kiếm toàn cầu của Microsoft đã tăng từ 3,08% trong tháng 4 lên 3,30% trong tháng 6. Trong khi đó, Yahoo giảm từ 5,48% xuống còn 5,15% và Google vẫn giữ nguyên mức 89,8%.

 

Mặc dù Bing không gặt hái được thành công như mong đợi nhưng mới đây, CEO Steve Ballmer của Microsoft khẳng định về lâu dài, Bing sẽ thách thức ngôi vị của Google.

 

Bing là công cụ tìm kiếm mới thay thế bộ máy MSN Live Search vốn đã bị hai đối thủ Google và Yahoo bỏ xa từ lâu.

 

Chi tiêu trong lĩnh vực IT giảm 10,6%

 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester, trong năm nay, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sẽ giảm 10,6% ngân sách chi cho những mặt hàng công nghệ so với năm 2008, trong đó, riêng thị trường Mỹ giảm 5,1%. Hồi đầu năm, Forrester chỉ ước đoán mức chi tiêu cho ngành công nghệ năm nay sẽ giảm 3%.

 

Tuy nhiên, Research dự đoán thị trường CNTT của Mỹ sẽ phục hồi trong quý IV năm nay và cũng sẽ “khởi sắc” vào đầu năm 2010 tại các nước khác.

 

Forrester cho rằng mức chi trong tất cả các mặt hàng IT đều giảm, trong đó ngân sách mua máy tính giảm 13,5%, thiết bị viễn thông giảm 12,4%, phần mềm 8,2%, và các dịch vụ tư vấn và outsourcing 8,6%.

 

Nền kinh tế suy giảm là nguyên nhân chính khiến thị trường IT ảm đạm như hiện nay.
 
T.Vũ
Tổng hợp