CNTT với tham vọng giảm tải cho ngành y tế

(Dân trí) - Ông Neil Jordan, Tổng Giám Đốc, phụ trách khối Giải pháp cho ngành công nghiệp Y Tế của Microsoft, cho rằng CNTT sẽ góp phần giúp các bệnh viện giảm tải và giúp nhiều bệnh nhân có thể điều trị từ xa nhằm tiết kiệm chi phí đi lại.

Tại Hội nghị Quản Lý Bệnh Viện Châu Á 2012 tại Hà Nội tuần trước, đại diện Microsoft cho rằng việc quá tải bệnh viện là một trong những “nhức nhối” mà hãng mong muốn CNTT sẽ góp phần giúp các bệnh viện và các bệnh nhân dễ thở hơn trong việc điều trị.

 

Ông Jordan cho biết hiện nay, Microsoft đang  đầu tư vào việc cải tiến công nghệ, cộng tác với các tổ chức y tế, cộng đồng và hơn 20,000 đối tác trên toàn thế giới để cùng tạo ra một ảnh hưởng tích cực vào chất lượng y tế. Tại Hội nghị Quản Lý Bệnh Viện Châu Á 2012, Microsoft giới thiệu các giải pháp và các công cụ phần mềm nhằm giúp các chuyên gia y tế cung cấp chất lượng y tế tốt hơn mà vẫn có thể cắt giảm đáng kể chi phí.

 

Trả lời báo giới về việc làm sao để đưa CNTT trở thành “chìa khóa” giúp ngành y tế thoát khỏi những bức xúc hiện nay, đặc biệt là vấn đề quá tại tại các bệnh viện, ông Neil Jordan cho rằng thách thức tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới hiện nay là làm sao để tạo vị thế cao cho các chuyên gia công nghệ trong bệnh viện. “Khi các chuyên gia công nghệ có tiếng nói tới ban giám đốc thì cơ hội đẩy mạnh vai trò CNTT trong bệnh viện sẽ cao hơn”, ông Jordan nhấn mạnh. "Lúc đó, người dân sẽ có thể sử dụng bệnh án đã được số hóa để khám bệnh từ xa, vừa để tiết kiệm chi phí đi lại vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, và có thể tiết kiệm thời gian trong việc điều trị".
 
CNTT với tham vọng trị bệnh từ xa

Ông Neil Jordan, Tổng Giám Đốc, phụ trách khối Giải pháp cho ngành công nghiệp Y Tế của Microsoft, trao đổi với báo giới Việt Nam tại Hà Nội.

 

Ngoài ra, việc người dân vẫn chưa tin tưởng để ứng dụng điện toán đàm mây trong quản lý thông tin cá nhân của họ cũng là vấn đề mà các bệnh viện đang phải đối mặt. Điện toán đám mây được cho là một công cụ tốt để ứng dụng tại các bệnh viện nhưng theo ông Jordan, bệnh viện cần phải thiết lập môi trường điện toán đám mây riêng hay chung mà vẫn đảm bảo tính riêng tư, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng.

 

“Các công nghệ như điện toán đám mây có thể giúp các tổ chức y tế có cơ hội nâng cao chất lượng chăm sóc và giảm chi phí.Về một mặt nào đó, công nghệ giúp các tổ chức y tế thúc đẩy hạ tầng cơ sở IT đạt tiêu chuẩn thế giới mà không phải đầu tư vào việc nâng cấp hàng năm”.

 

Đại diện Microsoft cho rằng công nghệ telemedicine sẽ giúp giảm chi phí và hỗ trợ hiệu quả các hoạt động chăm sóc tại các vùng xa xôi, hẻo lánh.Thực tế của việc telemedicine bây giờ có thể đáp ứng hơn đã từng như giảm tiêu thụ thời gian, chi phí bay cho cả bệnh nhân và người thực hiện trong khi vẫn đảm bảo thông tin luôn có 24/7.Việc này thực sự có ích đối với những vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa hoặc các bệnh nhân đã cao tuổi, gặp khó khăn trong việc tới các phòng khám bệnh.

 

Microsoft chia sẻ năm 2008, hãng đã làm việc với các đối tác và các cơ sở y tế địa phương để thực hiện thí điểm một dự án chăm sóc sức khỏe từ xa tại quận Barielly và Madhubani ở Ấn Độ - nơi mà người dân mất 10 đến 12 tiếng để đến gặp một bác sỹ mà không biết liệu học có thể tìm thấy một người sẵn sàng chăm sóc sức khỏe cho họ. Với sự hỗ trợ của các cơ sở y tế và bằng các phương tiện như máy tính và đường truyền Internet, người dân có thể được tư vấn các vấn đề về sức khỏe bởi một bác sỹ ở khu trung tâm. Các dấu hiệu quan trọng, ảnh và bệnh án cũng như các thông tin khác có thể được chia sẻ. Các vấn đề đơn giải có thể được giải quyết ngay lập tức, trong khi đó bệnh nhân cần sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn có thể được đặt lịch hẹn gặp tại thành phố, để đảm bảo rằng khi sau cuộc hành trình dài tới đó, họ sẽ được gặp những chuyên gia phù hợp nhất để khám chữa bệnh dựa trên tình trạng của họ.

 

Ông Jordan cho rằng Việt Nam có lợi thế là nước đi sau trong việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế. Thế nên, các bài học, kinh nghiệm từ Singapore, Thái Lan sẽ giúp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc ứng dụng CNTT tại các bệnh viện.

 
Khôi Linh