DNews

Clip thầy giáo dùng động tác Heimlich cứu sống học sinh nổi bật mạng xã hội

T.Thủy

(Dân trí) - Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một giáo viên đã có phản ứng nhanh, sử dụng động tác Heimlich để cứu mạng học sinh bị mắc nghẹn, đã gây sốt cộng đồng mạng.

Clip thầy giáo dùng động tác Heimlich cứu sống học sinh nổi bật mạng xã hội

Khoảnh khắc về tình huống thót tim được camera giám sát ghi lại bên trong một lớp học ở thị trấn Tuân Nghĩa (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc), cho thấy một học sinh đã ngậm bút trong miệng khi đang ngồi học, nhưng sau đó vô tình nuốt nắp bút.

Nắp bút bị kẹt ở cổ họng khiến cậu bé khó thở. Nam sinh này đã cố gắng loại bỏ nắp bút bị mắc kẹt trong cổ họng của mình, nhưng bất thành.

Hình ảnh từ đoạn clip cho thấy cậu bé thể hiện sự đau đớn và hoảng loạn vì không thể thở được. Cậu bé sau đó đã đứng lên và ra hiệu cho giáo viên để nhờ giúp đỡ.

Thầy giáo họ Lưu, người đứng lớp vào thời điểm đó, đã nhanh chóng nhận thấy điều bất thường ở học sinh của mình. Thầy Lưu lập tức sử dụng động tác Heimlich để cấp cứu cho học sinh.

Những động tác mạnh mẽ và dứt khoát của thầy Lưu đã giúp cứu mạng học sinh một cách ấn tượng chỉ sau vài giây. Thầy giáo sau đó đã đưa học sinh của mình đến phòng y tế của trường để kiểm tra, đảm bảo tình trạng sức khỏe của cậu bé, trước khi quay trở lại lớp học.

Clip thầy giáo dùng động tác Heimlich cứu mạng học sinh gây sốt mạng xã hội

Đoạn clip về hành động kịp thời của thầy giáo Lưu giúp cứu mạng học sinh đã "gây sốt" sau khi được đăng tải lên mạng xã hội. Các cư dân mạng đã không tiếc lời khen ngợi hành động dứt khoát và chuẩn xác của thầy giáo Lưu.

"Học sinh luôn nghịch ngợm và hiếu động. Thật may vì trong lớp học lại có một thầy giáo nắm bắt được động tác sơ cứu như vậy. Em học sinh thật tốt số", một người dùng mạng xã hội Weibo bình luận.

Đoạn clip là minh chứng cho thấy sự quan trọng của việc nắm bắt các kiến thức về sơ cấp cứu, đặc biệt là các kỹ thuật khai thông đường thở.

Nhiều cư dân mạng cho rằng dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần phải nắm rõ cách thực hiện động tác Heimlich để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, bởi vì các tai nạn mắc nghẹn do đồ ăn hoặc dị vật khiến đường thở bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai và nếu không được cấp cứu đúng cách có thể dẫn đến mất mạng.

Đặc biệt, với những gia đình có con nhỏ, các bậc phụ huynh cần nắm bắt kiến thức và kỹ thuật Heimlich, bởi lẽ trẻ em thường có thói quen bỏ tất cả mọi thứ vào miệng, có thể dẫn đến tai nạn mắc nghẹn đồ ăn hoặc hóc dị vật.

Động tác Heimlich là gì, được thực hiện như thế nào?

Động tác Heimlich được phát minh bởi bác sĩ người Mỹ Henry Judah Heimlich. Đây là động tác được sử dụng để sơ cứu người bị nghẹn thức ăn hoặc các dị vật khác gây tắc nghẽn đường thở.

Cách thực hiện động tác Heimlich khi nạn nhân là người lớn

Người thực hiện động tác Heimlich sẽ đứng sau lưng nạn nhân, vòng hai tay ra trước quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong, áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

Minh họa tư thế thực hiện động tác Heimlich (Ảnh: GXM).

Minh họa tư thế thực hiện động tác Heimlich (Ảnh: GXM).

Tiếp theo, người đứng sau giật tay thật mạnh, đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 lần. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả. Áp lực từ động tác này có thể đẩy bật dị vật ra ngoài, giúp khai thông đường thở cho nạn nhân.

Lặp lại một vài lần nếu cần thiết, nhưng nếu không hiệu quả thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu.

Cách thực hiện thủ thuật Heimlich đối với trẻ em trên 2 tuổi

Nếu xảy ra tai nạn hóc dị vật hoặc sặc thức ăn gây tắc nghẽn đường thở với trẻ em trên 2 tuổi, bạn có thể thực hiện thao tác Heimlich để sơ cứu cho trẻ.

Tư thế thực hiện động tác Heimlich với trẻ trên 2 tuổi, khi trẻ còn tỉnh táo (Ảnh minh họa: Vinmec).

Tư thế thực hiện động tác Heimlich với trẻ trên 2 tuổi, khi trẻ còn tỉnh táo (Ảnh minh họa: Vinmec).

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh:

- Đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ.

- Đặt một bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức.

- Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm.

- Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần.

- Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có.

- Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.

Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh:

- Đặt trẻ nằm ngửa.

- Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ.

- Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ.

Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đội cấp cứu tới.

Đối với trẻ em dưới 2 tuổi

Không thực hiện động tác Heimlich để khai thông đường thở cho trẻ. Thay vào đó, sử dụng động tác vỗ lưng, ấn ngực. Thực hiện động tác này như sau:

Minh họa thao tác vỗ lưng, ấn ngực khi trẻ dưới 2 tuổi bị hóc dị vật (Ảnh minh họa: Vinmec).

Minh họa thao tác vỗ lưng, ấn ngực khi trẻ dưới 2 tuổi bị hóc dị vật (Ảnh minh họa: Vinmec).

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

- Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Theo 163/Weibo/BV Đa khoa Vinmec