CD “lậu" chiếm 1/3 thị trường toàn cầu

Theo thông báo của một nhóm nghiên cứu trong ngành công nghiệp giải trí cho biết, giá trị các loại đĩa CD âm nhạc bị sao chép và bán bất hợp pháp đã lên đến 4,6 tỉ USD trong năm ngoái, chiếm tới 1/3 tổng giá trị tất cả các loại đĩa bán trên toàn thế giới trong cùng thời gian.

Còn theo báo cáo về Bản quyền thương mại của Hiệp hội ngành công nghiệp âm nhạc quốc tế (IFPI) thì đã có tổng cộng 1,2 tỉ đĩa CD âm nhạc bất hợp pháp đã được bán trực tiếp hoặc được bán thông qua mạng Internet - chiếm 34% tổng số các CD được bán ra trên thị trường toàn cầu.

 

Trong khi số lượng các loại đĩa CD âm nhạc bất hợp pháp vẫn duy trì ở mức rất cao, thì doanh thu từ việc kinh doanh các loại đĩa CD lại chỉ đạt mức tăng 2% so với năm 2003 - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút trong doanh thu từ việc kinh doanh các loại CD bất hợp pháp này bị giảm là do các nước đã tăng cường thắt chặt kiểm soát và xử lý tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc - nhất là ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mexico, Brazil, Hong Kong, Paraguay và Tây Ban Nha. Số lượng các vụ sao chép CD bất hợp pháp bị bắt đã tăng gấp 2 lần so với tỉ lệ của năm 2003.

 

IFPI chính thức đưa ra báo cáo về tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Tây Ban Nha - nước được xem là nơi có tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trầm trọng nhất ở Châu Âu. Có thể nói tình trạng vi phạm bản quyền ở Tây Ban Nha đã “góp phần” thu hẹp thị trường kinh doanh hợp pháp của ngành công nghiệp này đi 1/3 trong 3 năm trở lại đây.

 

Một số nước khác cũng nằm trong danh sách các nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền âm nhạc không thể chấp nhận được của IFPI bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Pakistan, Paraguay, Nga và Ukraine.

 

Bên cạnh đó theo IFPI, doanh thu từ việc kinh doanh các loại đĩa CD bất hợp pháp lại vượt qua mức doanh thu từ việc kinh doanh hợp pháp, nhất là ở các nước Chile, CH Séc, Hy Lạp, Ấn Độ và Thổ Nhỹ Kì - những nước đứng hàng đầu trong danh sách 31 nước của IFPI.

 

Theo VnMedia