Bộ trưởng Bộ TT&TT: "Nên tạo điều kiện cho DN Việt bình đẳng với DN ngoại"

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng hiện nay có chính sách của Việt Nam gần như bảo hộ ngược cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài trong khi đó doanh nghiệp trong nước bị quản lý chặt chẽ hơn.

Internet len lỏi mọi ngõ ngách cuộc sống

Hôm nay, ngày 22/11, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Chuyển động số Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, 20 năm trước, ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam. Đây là ngày đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.

Sau 20 năm, Internet đã phát triển vượt bậc, vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng được. Việc kết nối thông tin không còn giới hạn ở trong nước mà Internet đã trở thành cây cầu xuyên biên giới, giúp hàng tỷ người trên thế giới có thể gắn kết được mọi lúc, mọi nơi.

“Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống ở Việt Nam, từ người nông dân, người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ.. đều có thể tìm thấy những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi, thói quen, cuộc sống của chúng ta”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. “So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta thúc đẩy, tăng cường việc phát triển hệ sinh thái Internet tại Việt Nam.

Ngoài sự thành công của các DN hạ tầng Internet Việt Nam, như Viettel, VNPT, FTP, CMC, NetNam, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đã có nhiều DN nội dung số lớn như VTC, VNG, VCCorp. Các doanh nghiệp này không chỉ có chỗ đứng vững vàng trong nước mà còn vươn ra cả thị trường khu vực cũng như quốc tế. Nhiều sản phẩm Internet do doanh nghiệp cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế”.

Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng Internet đang phát triển rất mạnh. Nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… cũng được doanh nghiệp trong nước phát triển thành những sản phẩm hoàn thiện, có giá trị kinh tế cao.

Cũng tham gia tại sự kiện, trong phiên Toạ đàm “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” giữa các DN và đại diện cơ quan chức năng, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty VNG chia sẻ: “Internet đã thay đổi cuộc đời ông trong suốt 20 năm qua”. Ông Minh nói, dự đoán về tương lai là một điều vô cùng khó. Tại thời điểm 20 năm trước khi Internet bắt đầu mở cửa tại Việt Nam, nhiều người là tiền bối cũng đã hoàn toàn không nghĩ được, mà chỉ có một niềm tin về tương lai tốt đẹp khi có Internet. “Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là phải làm hết sức có thể để hiện thực hoá những điều tôi nghĩ và mong muốn”.


Toạ đàm “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” giữa DN và cơ quan chức năng.

Toạ đàm “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” giữa DN và cơ quan chức năng.

Nói về tương lai Internet trong 10-20 năm nữa, người đứng đầu VNG cho rằng, có một điều chắc chắn rằng Internet nói chung và công nghệ nói riêng là không thể tách rời các lĩnh vực khác trong 10 năm tới. Thông tin truyền thông và Internet sẽ là thành phần quan trọng nhất.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, được xem là người có công giúp mở cửa Internet tại Việt Nam, cũng phải thốt lên: “Không ai có thể tưởng tượng được Internet trong 10-20 năm tới. Trước đây không ai có thể tin smartphone có thể thay thế tất cả mọi thứ, từ đồng hồ, máy nghe nhạc, TV, báo chí, máy đo huyết áp....”. Ông Trực cho rằng, Internet 20 năm qua là Internet of People, kết nối con người, nhưng từ nay trở đi sẽ là Internet of things (IoT), là hàng tỷ kết nối. IoT chắc chắn là nền tảng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn so với 10-20 năm qua.

Ông Trực cũng nhấn mạnh: “Nói thế để thấy rằng khi chúng ta nhận thấy xu hướng, công nghệ gì mới là phải áp dụng ngay, không chờ đợi, chần chừ. 20 năm trước chúng tôi đã gặp khó khăn nhất là phải thuyết phục những người lo ngại quá đáng về Internet”. Ông cũng nói, nếu thiếu sự nhanh nhạy, các DN trong nước vốn đã khó khăn rồi thì sẽ còn khó khăn hơn.

Cạnh tranh giữa DN nội và DN ngoại: “Cuộc chiến” không cân sức?

Nói về việc làm thế nào để DN Việt có cách tiếp cận bình đẳng với DN nước ngoài trong xu thế phát triển hiện nay, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc công ty VCCorp, là một trong những công ty dẫn đầu về lĩnh vực nội dung số, cho rằng, DN Việt gần như không có cơ hội để cạnh tranh trên nhiều lãnh địa trên Internet, như tìm kiếm (search), email.. trước các ông lớn Google, Facebook. Về mảng mạng xã hội chỉ duy nhất Zalo còn đủ mạnh với lượng người dùng lớn. Do đó, theo ông Tân, nội dung số là lãnh địa quan trọng cuối cùng và mạnh nhất mà DN Việt còn giữ được và chiếm 40-50% thị phần. Ông Tân đặt ra câu hỏi ở lãnh địa nội dung số liệu chúng ta có còn cơ hội hay không. Đại diện VCCorp cho hay hiện tại, tại Việt Nam, nội dung số là lĩnh vực đầy tiềm năng. Doanh số nội dung số hiện nay đạt khoảng 1 tỷ USD, phần lớn doanh số thuộc công ty VNG, VTC, VC Corp, với 500-600 triệu USD. “Nếu phát triển doanh số nội dung số sẽ lên khoảng 10 tỷ USD, gấp 10 hiện nay”, ông Tân nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc công ty VCCorp đề xuất nên tạo ra đặc khu ảo cho DN công nghệ, nội dung số.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc công ty VCCorp đề xuất nên tạo ra đặc khu ảo cho DN công nghệ, nội dung số.

Theo ông Tân, hiện có khoảng 10.000 nhân viên làm việc chính thức trong mảng nội dung số, và 10.000 là CTV ngoài, xu hướng còn tăng thêm khoảng 500-1 triệu nhân sự. “Đây là mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng, DN Việt đang có chủ quyền, có thế mạnh, có những lãnh địa DN xuyên biên giới không thể lấn át được”.

Tuy nhiên, ông Tân cũng nói rằng, dù có thế mạnh trước các DN ngoại ở lĩnh vực nội dung số nhưng các DN xuyên biên giới hiện đang không bị ràng buộc bởi chế tài ngăn chặn nội dung độc hại tại Việt Nam. “Trong sự cạnh tranh, DN mình ít tiền hơn, công nghệ tiệm cận với DN ngoại nhưng họ được thả tay còn mình bị trói tay thì đó là một thiệt thòi cho các DN trong nước”, ông Tân nhấn mạnh.

Đại diện VC Corp cho rằng, điều quan trọng là làm sao tháo gỡ được, và DN vẫn phải tuân thủ theo cơ quan quản lý. Để có được thành công trong 20 năm nữa thì DN phải mạnh dạn ở còn nhà nước phải tháo gỡ những khó khăn cho DN trong nước.

Ông Tân đề xuất: “Chúng ta có thể dung hoà quản lý và tháo gỡ bằng cách lập khái niệm đặc khu ảo cho các DN công nghệ, nội dung số. Những DN tham gia phải cam kết tuân thủ, như đóng thuế, nhưng cơ chế quản lý DN nội, như về giấy phép phải khác với các DN nước ngoài, với các chế tài thoáng hơn. Như thế dn sẽ có điều kiện để nhân rộng thế mạnh, không bị ràng buộc bởi quan niệm, cơ chế quá cũ”.


Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, cho rằng cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN nội và DN xuyên biên giới.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, cho rằng cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN nội và DN xuyên biên giới.

Cũng bày tỏ quan điểm cho rằng DN Việt đang không được cạnh tranh bình đẳng, sằng phẳng với các DN xuyên biên giới, ông Lê Hồng Minh nói: “Internet ngoài mở cửa còn có khái niệm khác là thay đổi mô hình kinh doanh. Internet phát triển rất nhanh vì các quy định quản lý chưa kịp và muốn cũng không quản lý được nên DN cứ thực hiện ý tưởng của mình trước sau đó sẽ làm theo quy định đưa ra”.

Ông Minh cũng nói rằng, sau hơn 10 năm rất nhiều DN nội dung, kinh doanh Internet đã có đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước thì cũng đã có sự thấu hiểu. Hiện giờ mình phải tìm giải pháp để làm sao mọi người, các DN hiểu rằng nếu không làm việc, hợp tác với nhau thì tất cả đều là người thua trước các ông lớn đến từ thế giới.

Lắng nghe những quan điểm của các DN, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: “Chính phủ đã giao Bộ TT&TT tìm cách đưa ra những chính sách cởi mở hơn, không cấm DN nước ngoài hoạt động ở VN nhưng phải tạo chính sách để tạo bình đăng giữa DN trong nước với DN nước ngoài”. Theo Bộ trưởng, hiện nay có những chính sách gần như bảo hộ ngược cho DN nước ngoài, như có các gói cước rất rẻ dành cho người nướcc ngoài, như các DN nước ngoài đặt đặt máy chủ server miễn phí, trong khi đó DN trong nước đặt máy chủ thì phải thuê mất tiền, chịu sự quản lý chặt chẽ hơn. “Nên chăng tạo điều kiện để DN trong nước bình đẳng với DN nước ngoài”, Bộ trưởng trăn trở với những thiệt thòi của các DN nội.

Khôi Linh