Hà Nội:

Xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại Triều Khúc

(Dân trí) - Theo bác sĩ Vũ Văn Lên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Triều, số bệnh nhân SXH đang tăng vọt tại thôn Triều Khúc. Trạm y tế xã đã tăng cường thêm bác sĩ và y tá, còn bệnh nhân nặng đều được chuyển đến Bệnh viện Xây dựng gần đó để điều trị.

Nhiều học sinh phải bỏ thi vì bị SXH

Bác sĩ Phạm Trung Dũng, phó trưởng khoa Nội, bệnh viện Xây dựng cho hay, chỉ riêng trong tháng 6, bệnh viện tiếp nhận số ca mắc SXH kỉ lục với gần 150 ca. 90% số ca SXH này đều được chuyển đến từ thôn Triều Khúc (Q.Thanh Xuân). Bệnh nhân quá tải đến mức cả hai khu điều trị tự nguyện và điều trị bảo hiểm y tế của bệnh viện Xây dựng đã phải tăng cường giường bệnh nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhân SXH. Nhiều giường bệnh vẫn phải nằm ghép đôi. Ngoài ra, bệnh nhân SXH và sốt vi rút cũng được bố trí nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Ngoại.

“Trong số bệnh nhân nhập viện vì SXH, có rất nhiều em là sinh viên, học sinh đang ở trọ tại làng Triều Khúc để thi đại học. Nhiều em khi phải nằm viện, biết là phải bỏ thi thì mếu máo, xin bác sĩ cho xuất viện nhưng đó là hoàn toàn bất khả kháng. Các em không thể đi thi khi vẫn sốt cao liên tục 39 - 40 độ C”, BS Dũng nói.

Riêng trong chiều ngày 1/7, tại khoa Nội điều trị tự nguyện đã có 4 sĩ tử trọ học tại thôn Triều Khúc phải nhập viện vì SXH. Theo BS Dũng, cả 4 bệnh nhân này chắc chắn phải bỏ đợt thi đại học đầu tiên vì phải theo dõi, điều trị trong 4 - 5 ngày nữa.

Theo BS Vũ Văn Lên, dịch SXH đang diễn ra tại Triều Khúc là một bất thường, sớm hơn mọi năm. Bình thường, tại miền Bắc, dịch SXH thường bắt đầu từ tháng 9, tháng 10. Tại Triều Khúc, với đặc trưng của một làng nghề chuyên thu gom phế liệu, lông gà, lông vịt... nên nguy cơ bị SXH càng cao.

BS Lên khuyến cáo, để phòng mắc SXH, buộc phải vào viện điều trị và mất cơ hội thi đại học, gián đoạn thời gian làm việc, mọi người cần có ý thức vệ sinh môi trường nơi ở, phát quang bụi rậm, không chứa nước trong chum vại, khơi thông cống rãnh, nằm ngủ màn tránh muỗi đốt...

SXH nóng bỏng ở các tỉnh phía Nam

Còn về tình hình dịch SXH trong cả nước, chiều 2/7, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2009, cả nước ghi nhận 25.770 trường hợp mắc sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD), 26 trường hợp tử vong (chủ yếu là trẻ em). So với cùng kỳ năm 2008, số mắc tăng 25,9%, tử vong tăng 24%.

Số mắc SXH tăng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam, miền Trung:  Phú Yên (569%), Bình Định (355%), Quảng Ngãi (131%), Ninh Thuận (186%), Bà Rịa - Vũng Tàu (171%), Cần Thơ (107%), Hậu Giang (105%), Kiên Giang (148%), Tây Ninh (106%), Trà Vinh (241%), TPHCM (55%)...

Bộ Y tế nhận định, tình hình SXH đang diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại một số tỉnh, thành phố trong những tháng cuối năm 2009, tỷ lệ biến chứng, tử vong do SXH sẽ tiếp tục gia tăng.

Theo ông Nga, nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh SXH diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Trong giai đoạn từ 2000 - 2007, số mắc SD/SXHD trên toàn cầu đã tăng 4 lần so với giai đoạn 1980 - 1989. Ngoài ra, sự thay đổi khí hậu, tập quán trữ nước trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long) là yếu tố làm gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh SXH và gia tăng nguy cơ xảy ra dịch lớn tại các địa phương này.  Nhiều người dân còn chưa có ý thức tự phòng bệnh cũng như tham gia các hoạt động phòng chống SXH để bảo vệ chính bản thân và gia đình.

Tại Việt Nam hiện lưu hành cả 4 phân týp vi rút Dengue, khối cảm thụ có khả năng nhiễm nhiều týp vi rút, làm cho bệnh cảnh lâm sàng phức tạp và có nguy cơ bùng phát dịch cao.

Vì thế, để chủ động phòng chống dịch, bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các ban, ngành, đoàn thể cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt muỗi ở gia đình và cộng đồng, thu gom phế thải, loại bỏ các vật chứa nước như vỏ dừa, lốp xe hỏng, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước; quản lý các dụng cụ chứa nước sinh hoạt của gia đình, không cho muỗi đẻ trứng (đậy kín chum vại, bể chứa), thả cá, thả mesocyclope để loại trừ bọ gậy/lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi...

Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong.

Tình hình SXH trên thế giới, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2009, dịch SXH đã xảy ra tại 24 nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Lào, Cam-pu-chia... So sánh với cùng kỳ năm 2008, số mắc SXH tăng rất cao như Úc (535%), Cam-pu-chia (94%), Malaysia (28%)...

Hồng Hải