Nghệ An:

Xử lý hơn 30 con lợn bị nhiễm dịch vứt bên vệ đường

(Dân trí) - Khoảng 5h30, sáng nay 9/9 trên đoạn đường tránh Vinh thuộc xóm Yên Thượng, xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, một số người dân chạy thể dục buổi sáng phát hiện hơn 30 con lợn vứt bừa bãi bên vệ đường.

Xử lý hơn 30 con lợn bị nhiễm dịch vứt bên vệ đường - 1

Hố chôn 30 con lợn được phát hiện bên vệ đường ngay trong sáng 9/9.

Số lượng hơn 30 con được phát hiện trong tình trạng đã chết, bốc mùi hôi thối, trọng lượng mỗi con khoảng từ 15-20 kg. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo xã Hưng Thịnh đã chỉ đạo cho ban thú y nhanh chóng tiêu huỷ, đào hố chôn lấp đồng thời lập biên bản xác nhận số lượng lợn báo cáo lên huyện.
Trước đó, ngày 7/9 tại xóm Yên Tuỳ, xã Hưng Thịnh, ban chỉ đạo thú y huyện Hưng Nguyên cũng đã bắt buộc phải tiêu huỷ 5 con lợn trọng lượng hơn 300kg của gia đình anh Trương Văn Cường do bị dịch bệnh tai xanh.
 
Liên quan đến vấn đề này, anh Hồ Văn Đức trưởng Ban thú y xã Hưng Thịnh cho biết thêm, từ 20/8 đến 7/9/2010 toàn xã đã tiêu huỷ hơn 16 tấn lợn dịch với gần 600 con của 26 hộ gia đình và một trang trại. Cụ thể số lợn tiêu huỷ nhiều nhất là trang trại chăn nuôi lợn Sinh Đàm với 233 con (khoảng 6 tấn). Bên cạnh đó, hộ gia đình nhiều nhất có gia đình ông Ngô Xuân Trí với 64 con khoảng 1,8 tấn.
Xử lý hơn 30 con lợn bị nhiễm dịch vứt bên vệ đường - 2
Vệ sinh chuồng trại
 
Theo báo cáo mới nhất từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 4 huyện xảy ra dịch lợn tai xanh gồm: Hưng Nguyên có 5 xã (Hưng Phúc, Hưng Tiến, Hưng Thịnh, Hưng Thắng và Hưng Trung); Diễn Châu có 1 xã Diễn Quảng; Nam Đàn có xã Nam Lĩnh; Yên Thành có xã Hoa Thành; Đô Lương có xã Quang Sơn và Minh Sơn. Các địa phương xảy ra dịch tai xanh phải thực hiện phòng chống dịch theo quy định như: tăng cường giám sát, báo cáo dịch bệnh; xác định trường hợp lợn chết, ốm nặng để tiêu hủy kịp thời.

Chi cục Thú y Nghệ An cũng đã tập trung tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh tại những vùng có dịch nói trên. Đặc biệt, chú trọng công tác tiêu độc khử trùng bằng 2 nguồn: chính quyền và nhân dân sở tại mua vôi bột để rải chuồng trại và các trục đường vùng có dịch; chi cục thú y sẽ cấp hóa chất để khống chế dịch ở các địa bàn có dịch phát sinh lớn.

Nguyễn Duy - Điền Bắc