PhotoStory

Xem bác sĩ "đeo kính lặn" vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh

Thực hiện: Minh Nhật - Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiệm vụ của các bác sĩ là thâm nhập vào buồng ối và làm đông các cầu nối đang truyền máu giữa 2 thai. Đây cũng là một trong những kỹ thuật đỉnh cao nhất trong lĩnh vực sản khoa.

Ở tuần thai thứ 16, sản phụ H., 27 tuổi, phát hiện có hội chứng truyền máu song thai độ 2. Đây là tình trạng 2 bé song sinh của người mẹ đều chung một bánh rau. Một bé liên tục cho máu sang thai kia nên càng ngày càng nhỏ và sức sống rất kém. Bé còn lại bị nhận máu nhiều quá cũng sẽ dẫn đến phù và suy tim.

Trước đây, 90% thai đôi gặp tình trạng truyền máu song thai đều không qua khỏi. Trường hợp trẻ sống sót sẽ đối mặt với di chứng thần kinh rất nặng nề.

Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, các bác sĩ đã có thể "cãi số" cho những thai nhi không may này. Đương nhiên đây sẽ là một thử thách đặc biệt khó khăn.

Ngay sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai, sản phụ H. được lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật nội soi vào buồng ối để điều trị hội chứng này.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 1

11h30, sản phụ và ekip 7 y bác sĩ bước vào "cuộc chiến" để cứu lấy cả hai thai nhi.

Nhiệm vụ được đặt ra cho các y bác sĩ là thâm nhập vào buồng ối và làm đông các cầu nối đang truyền máu giữa 2 thai. Đây cũng là một trong những kỹ thuật đỉnh cao nhất trong lĩnh vực sản khoa.

Sau khi bụng sản phụ được thoa thuốc sát trùng và phủ săng vô trùng, TS.BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bắt đầu di chuyển đầu dò máy siêu âm, quan sát kỹ tình trạng của thai nhi trong buồng ối để tìm đường vào.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 2

Sản phụ rất hồi hộp và nhịp tim tăng lên. Một nữ điều dưỡng ngay lập tức trấn an, hướng dẫn chị H. hãy hít thở đều, nhẹ nhàng.

"Em ơi, em phối hợp với các bác! Nhiệm vụ của em là hít sâu, thở đều cố gắng thả lỏng người, căng thẳng sẽ khiến thành bụng bị co bóp. Mọi việc còn lại hãy tin vào các bác sĩ", TS Sim động viên người bệnh.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 3
Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 4

Trên màn hình máy siêu âm dần hiện rõ hình ảnh hai thai nhi nằm trong bụng mẹ. Các bác sĩ xác định thai nằm phía trên, sát thành tử cung là thai cho máu, có tình trạng cạn ối. Ngược lại thai nhận máu nằm bên dưới, kích thước lớn hơn hẳn và có tình trạng đa ối.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 5

Sau khi quan sát kỹ vị trí thai nhi trong buồng ối và đợi nhịp tim sản phụ về ngưỡng bình thường, TS Sim tiến hành tiêm thêm thuốc gây tê tại chỗ. Ngay sau khi thuốc gây tê phát huy tác dụng, chuyên gia này đưa dao mổ rạch một lỗ nhỏ khoảng 0,5cm.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 6

TS Sim tiếp tục một tay cầm đầu dò máy siêu âm, mắt tập trung cao độ vào màn hình, tay còn lại xuyên Trocart qua vết rạch, đến màng ối, rồi tiến vào buồng ối thai nhận. Tay làm, đôi mắt nữ bác sĩ không rời màn hình máy siêu âm để đảm bảo không gây bất kỳ tổn thương nào đến thai nhi trong suốt quá trình.

"Lỗ Trocart nhỏ được thiết lập trở thành con đường độc đạo cho toàn bộ ca can thiệp vào buồng tử cung, nơi vẫn được xem là vùng cấm này", TS Sim chia sẻ.

300ml nước ối được hút ra từ buồng ối của thai nhi nhận máu. Việc này giúp xử lý tình trạng đa ối, vốn gây sức ép cho thai, dọa đẻ non, ngoài ra còn khiến sản phụ khó thở. Bên cạnh đó, nước ối được rút ra cũng sẽ được mang đi xét nghiệm để đánh giá di truyền của thai.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 7

Hệ thống đèn nội soi buồng ối siêu nhỏ được chuẩn bị đã sẵn sàng hoạt động, tất cả dụng cụ nội soi và thiết bị máy laser quang đông được kiểm tra kỹ, đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào có thể xảy ra.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 8

11h48, TS Sim hít một hơi thật sâu, chậm rãi đưa ống nội soi thông qua lỗ Trocart tiến dần vào "vùng cấm". Thử thách khó khăn nhất trong toàn bộ ca phẫu thuật bắt đầu.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 9

Trên màn hình của máy nội soi, hình ảnh bên trong buồng ối bắt đầu hiện lên rất rõ. TS Sim kiểm tra xung quanh phẫu trường buồng ối, nhìn rõ thai cho máu đang bị màng ối bó chặt, thai nhận máu thì cử động nhào lộn buồng đa ối. Nhìn thấy rõ 2 gốc dây rốn của 2 thai.

Từ đó, các y bác sĩ sẽ quan sát các mạch máu nối thông giữa 2 dây rốn. Đây cũng chính là "kim chỉ nam" cho toàn bộ hành trình giải cứu thai nhi của các y bác sĩ. Nhiệm vụ của ekip là truy tìm các mạch máu đang gây ra tình trạng truyền máu song thai và chiếu tia laser làm đông các cầu nối này.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 10

"Khi ống nội soi xuyên vào buồng ối, các bác sĩ như đeo kính lặn để phẫu thuật, vì tầm nhìn trong môi trường chất lỏng bị hạn chế hơn rất nhiều. Hơn nữa lúc đó thai nhi vẫn còn đạp và sinh hoạt trong buồng ối. Do đó, phải di chuyển các dụng cụ khéo léo để thai nhi không bị tổn thương", TS Sim mô tả.

Để xác định đúng cầu nối, theo TS Sim, đòi hỏi phải có nhiều năm được đào tạo về lĩnh vực can thiệp bào thai.

Định vị được một cầu nối, sản phụ được hướng dẫn thả lỏng người, không thở bụng, để hạn chế tối đa sự di lệch hướng tia laser.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 11

Một đốm sáng lóe lên trên màn hình máy nội soi khi tia laser được kích hoạt. Cầu nối được làm đông ngay tại vị trí laser chiếu vào, cắt đứt đường truyền máu giữa hai thai.

Xuyên suốt cuộc hành trình truy tìm những cầu nối, mắt TS Sim không rời màn hình, vừa để không bỏ sót các mạch máu truyền máu song thai, vừa để dụng cụ nội soi đi đúng hướng, không gây bất kỳ tổn thương nào trên thai nhi, cũng như các cơ quan trong buồng tử cung của mẹ.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 12

Chỉ cần một thao tác nhầm gây chảy máu, toàn bộ buồng ối sẽ ngập trong màu đỏ, ca phẫu thuật buộc phải chấm dứt.

Trong gần 30 phút, ekip đã phát hiện và "chặn" hơn 15 cầu nối truyền máu song thai, gồm 3 loại cầu nối: động mạch - tĩnh mạch, động mạch - động mạch, tĩnh mạch - tĩnh mạch.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 13

12h06, TS Sim rút thiết bị nội soi ra bên ngoài. Cả ekip thở phào khi đã hoàn thành thử thách khó nhất.

Xem bác sĩ đeo kính lặn vào bụng mẹ giải cứu cặp song sinh - 14

Lắng nghe nhịp tim của 2 con qua máy siêu âm, đôi vợ chồng trẻ cố nén chặt cảm xúc.

2 em bé giờ đây đã có 2 "vùng đất riêng", giúp thiết lập lại sự cân bằng về dinh dưỡng và các con có điều kiện phát triển bình thường trở lại.

"Tuy nhiên, đây sẽ là một hành trình dài đòi hỏi sự nỗ lực của cả các y bác sĩ và sản phụ. Chỉ đến khi gia đình bế được con khỏe mạnh về nhà, chúng tôi mới có thể nói rằng mình đã thành công", TS Sim chia sẻ.