Vượt cạn: Từ A đến Z (2)

(Dân trí) - Không chỉ là cảm giác đau đẻ, vỡ ối... mà những lo lắng như liệu khi rặn mình có đại tiện? vì sao bé ị phân su ngay trong bụng mẹ? Nguy cơ rách tầng sinh môn ra sao?... cũng là những thắc mắc thường trực của bà bầu khi vượt cạn.

 

Vượt cạn: Từ A đến Z (2) - 1

Em bé có thể ị phân su ngay trong khi chuyển dạ

Nếu bị suy thai trong khi chuyển dạ, em bé có thể “ị phân su” trong bụng mẹ, khiến nước ối có màu xanh hoặc đen.

Phân su là một chất màu xanh đen hơi dinh nằm trong ruột của em bé. Dịch này được hình thành từ khoảng 16 tuần và hình thành từ những thứ mà thai nhi nuốt vào trong quá trình mang thai.

Phần lớn các em bé sẽ đi ra phân su trong 2 ngày đầu sau khi sinh, và đây là dấu hiệu tốt cho thấy đường ruột thông thoáng và làm việc bình thường.

Và bạn cũng vậy....

Đại đa số các bà mẹ sẽ đi ngoài trong khi đẻ - một hiện tượng bình thường.

Chuyển động đẩy em bé ra ngoài cũng chính là chuyển động khiến bạn muốn đi toilet, và do đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Bạn có thể làm giảm khả năng xảy ra tình huống “đỏ mặt” này bằng cách làm cho đường ruột “sạch sẽ” trước khi lên bàn đẻ.

Dây rốn có thể quấn quanh cổ em bé

Khi nữ hộ sinh đỡ được đầu em bé, họ có thể bảo bạn ngừng rặn một lát.

Trong nhiều trường hợp đó là vi họ cảm thấy em bé bị dây rốn quấn quanh cổ.

Mặc dù nghe có vẻ đáng sợ, nhưng vì lúc này em bé chưa thở, nên việc bị dây rốn quấn cổ không khiến cho em bé bị “nghẹt thở”. Song nó có thể làm dây rốn bị chèn ép, làm giảm ô xi cung cấp cho em bé.

Nguy cơ rách tầng sinh môn

Trong cuộc đẻ, phần lớn phụ nữ sẽ bị rách ở mức độ nhất định, do tầng sinh môn bị giãn căng.

Trong nhiều trường hợp, để phòng ngừa rách nghiêm trọng hơn, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể tiến hành cắt tầng sinh môn để mở rộng hơn và làm giảm áp lực.

Hướng dẫn của Anh nói rằng chỉ nên cắt tầng sinh môn nếu thai bị suy, cần sử dụng forceps hoặc giác hút để hỗ trợ, thai ngôi mông, chuyển dạ kéo dài, thai to hoặc người mẹ có bệnh lý cần chuyển dạ nhanh.

Vết rách hoặc cắt càng sâu thì càng lâu liền. Các thuốc giảm đau thông dụng có thể giúp ích, nhất là thuốc có thành phần chống viêm.

Sổ rau

Khi ra khỏi bụng mẹ, dây rốn và bánh rau sẽ chứa khoảng 1/3 lượng máu của em bé, 2/3 còn lại nằm trong người em bé.

Dây rốn thường dày, dai và đàn hồi, có mạch đập để đẩy máu vào em bé.

Sau vài phút dây rốn sẽ hết đập và người mẹ sẽ lại cảm thấy muốn rặn.

Trong phần lớn các trường hợp bánh rau sẽ sổ ra ngoài, những cơn co có thể đau nhưng thường qua nhanh.

Nếu thai nhi bị suy, bạn có thể phải mổ cấp cứu

Một số trường hợp người mẹ sẽ phải chuyển ngay tới phòng mổ để mổ lấy thai. Điều này hay gặp trong trường hợp thai ngôi mông, cuộc chuyển dạ diễn ra quá chậm hoặc thai bị suy

Đa số các cuộc mổ đẻ được thực hiện với gây tê tủy sống. Mặc dù đa phần các bà mẹ đều muốn sinh thường, song nếu có phải mổ thì cũng đừng xem đó là một thất bại

Em bé sẽ được lấy ra rất nhanh, trong vòng 5 phút, tiếp theo là lấy bánh rau.

Sẽ mất khoảng nửa giờ để khâu vết mổ

Nhưng...cái đau sẽ thực sự tan biến khi bạn ôm em bé trong tay

Sau cuộc vượt cạn kéo dài vài giờ đồng hồ, hầu như chắc chắn người mẹ sẽ cảm thấy mệt.

Nhưng bạn sẽ vượt qua mọi đau đớn và kiệt sức với niềm hạnh phúc vô bờ.

Hiện nay các chuyên gia đang rất nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiếp xúc da-da giữa em bé, người mẹ và người cha càng sớm càng tốt.

Có những trường hợp sinh khó hơn và em bé phải được chăm sóc đặc biệt, nhưng phần lớn chỉ trong thời gian ngắn để tiến hành một số kiểm tra.

Nếu có gì đó không suôn sẻ, đừng tự trách mình

Nếu, bất chấp nỗ lực hết mình của các thầy thuộc, vẫn có những điều xảy ra ngoài dự kiến và không suôn sẻ, thì điều quan trọng là đừng đổ lỗi cho chính mình.

Có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của người mẹ, có thể ảnh hưởng đến cuộc chuyển dạ, ví dụ như thai to, ngôi thai không thuận, hoặc cổ tử cung không giãn…, và đó không phải là do lỗi của bạn.

Cẩm Tú

Theo DM