"Vũ khí" kháng sinh đang bị vô hiệu hoá

Kháng sinh chỉ diệt được vi trùng, còn siêu vi thì không. Theo một bác sĩ tâm huyết với nghề nhẩm tính, trong 10 toa bác sĩ điều trị bệnh viêm hô hấp trên (đa phần do siêu vi), có đến 9,5 toa có sử dụng kháng sinh! Nếu tình hình này kéo dài sẽ không còn kháng sinh để điều trị.

Sử dụng "đại trà"

 

Bệnh nhi được sử dụng kháng sinh thường xuyên đến nỗi phụ huynh thuộc lòng luôn. Anh Khải, cư ngụ tại quận 3 cho biết: "Sau khi uống thuốc có kháng sinh, cháu đỡ bệnh 1-2 ngày thì bị sổ mũi, ho trở lại. Tôi thấy bác sĩ này chữa không hết nên tìm bác sĩ khác. Tôi lại cầm toa tiếp tục mua kháng sinh cho con uống... Gần như bây giờ tôi thuộc nằm lòng tên các loại kháng sinh thế hệ mới: Augmentin, Cifex, Zinat...

 

Bên cạnh việc lạm dụng kháng sinh của các thầy thuốc ở các cơ sở y tế còn có nguyên nhân tự dùng thuốc của phụ huynh. Góp phần vào việc lạm dụng kháng sinh còn có sự hỗ trợ của dược sĩ các nhà thuốc. Họ cũng chẩn bệnh và cho toa y như bác sĩ.

 

Một bác sĩ du học bên Pháp cho biết: "Trong tổng số toa điều trị nhiễm trùng hô hấp trên ở Pháp, chỉ 10-20% số toa có kháng sinh". Trong tất cả các sách giáo khoa về nhi khoa đều nói trên 90% nhiễm trùng hô hấp trên bao gồm viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai ở trẻ dưới 3 tuổi là do siêu vi. Biết nhưng vẫn dùng vì nhiều nguyên nhân "thân quen" và tác động từ các công ty dược.

 

Mất "vũ khí"

 

TS Phạm Hùng Vân - Đại học Y dược TPHCM cảnh báo: "Tỷ lệ kháng Penicillin tại Việt Nam 70%, nhóm macrolide như Rovamycine, Erythromycine, Spiramycine... ở mức cao đối với tác nhân gây bệnh chính là phế cầu, liên cầu...

 

Nếu coi kháng sinh là vũ khí chống lại bệnh tật thì việc lạm dụng kháng sinh sẽ làm chúng ta mất vũ khí chống vi trùng. Các nhà khoa học thuộc Đại học British Columbia (Canada) thực hiện nghiên cứu trên 27.167 trẻ kết luận: Những trẻ em được cho uống kháng sinh trong năm đầu đời dễ có nguy cơ bị bệnh hen suyễn cao gấp 2 lần so với những trẻ không uống kháng sinh.

 

Bùng phát vấn đề kháng thuốc, thiệt hại trực tiếp trên bệnh nhân là tăng tỷ lệ tử vong, tốn kém cho bệnh nhân và xã hội. Hậu quả lâu dài là lan truyền vi khuẩn "trơ với thuốc" trong bệnh viện, môi trường có thể dẫn thời đại đảo ngược, xuất hiện chủng vi khuẩn bất trị và sẽ không dùng kháng sinh trong điều trị vì không hề hiệu quả!

 

"Nên tránh tình trạng nghèo mà xài sang"

 

BS Nguyễn Công Viên - Khoa khám trẻ em lành mạnh - bệnh viện Nhi đồng 2 nói về vấn đề dùng kháng sinh: "Chúng tôi thấy rằng Bộ y tế nên chú ý hơn vấn đề sử dụng kháng sinh và đề kháng kháng sinh tại Việt nam: hôm qua, gánh nặng chi phí cho kháng sinh trực tiếp ở trên vai người bệnh. Hôm nay, với chủ trương rất tốt đẹp là miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi, mở rộng bảo hiểm y tế, chính là ngân sách nhà nước sẽ phải trả bạc Tỉ cho việc dùng kháng sinh không thích đáng.

 

Ngoài ra, kháng thuốc trong cộng đồng cũng là một "tổn thất" lớn cho đất nước. Vậy nên, Vụ điều trị cần làm việc với các chuyên khoa (nếu cần, mời chuyên gia quốc tế) để đề ra một bản hướng dẫn (guideline) cho các nhiễm trùng thường gặp tại Việt nam… để tránh tình trạng nghèo mà xài sang…"

 

Theo Phương Nam

Sài Gòn tiếp thị