Vỡ mộng xoá sạch sẹo lồi

Trị liệu có thể giúp sẹo lồi trở nên mềm và phẳng dần chứ không thể làm mất đi sẹo, tức không thể giúp cho vùng da sẹo trở lại như da lành không tì vết. Đây cũng là điều mà nhiều trung tâm thẩm mỹ đã mập mờ khi quảng cáo...

Vỡ mộng xoá sạch sẹo lồi - 1


 

Bất kỳ vết thương nào trên da đều trải qua tiến trình lành vết thương để tạo thành sẹo. Vết thương sẽ bắt đầu co lại vào ngày thứ năm và sẽ đạt được sẹo ổn định vào ngày thứ 21 sau khi bị thương, đối với một vết thương có tiến trình lành sẹo bình thường.

 

Như thế nào gọi là sẹo lồi?

 

Để trả lời rành rẽ câu hỏi đó, chúng ta cần phân biệt được các loại sẹo trên cơ thể người:

 

Sẹo bình thường: là một vết sẹo có hình dạng và kích thước tương ứng với hình dạng và kích thước của vết thương, không bị lồi hoặc lõm hơn so với bề mặt da. Không đỏ, không đau và có màu sắc tương đối giống với màu sắc của da lành vùng xung quanh sẹo.

 

Sẹo phì đại: là những vết sẹo nhô lên khỏi bề mặt da, màu đỏ hồng, có kích thước và hình dạng tương ứng với vết thương. Tuy nhiên, đối với sẹo phì đại, chúng ta không cần điều trị cũng có thể tự trở thành sẹo bình thường sau 6-12 tháng.

 

Sẹo lồi: trong vài tháng đầu sau khi bị thương, sẹo là một khối đỏ hồng, kích thước rất thay đổi (tuỳ thuộc tổn thương da lúc đó), có giới hạn rõ, bề mặt căng bóng thấy được các mạch máu dãn bên dưới, mật độ hơi cứng như khối cao su. Sau đó, trong vòng năm đầu sau tổn thương, khối đỏ hồng này sẽ phát triển quá mức nhưng lành tính, lan rộng và ra xa khỏi vị trí của vết thương ban đầu. Hình dạng không đều, bề mặt nhẵn bóng, sậm màu và cứng hơn so với da lành vùng xung quanh sẹo. Tổn thương thường có phần bề mặt phát triển lan rộng hơn so với phần gốc.

 

Không phải vết thương nào cũng thành sẹo lồi

 

Bản chất sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức của các mô sợi trong lớp bì, kể cả về số lượng lẫn trật tự. Sẹo lồi thường không gây cảm giác khó chịu gì, ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, một số sẹo lồi có thể gây ngứa, hơi đau hoặc cảm giác căng cứng. Thường gặp sẹo lồi nhất là ở vùng da trước xương ức. Kế đến là dái tai, vai, lưng, cổ, tay, chân... Hiếm khi thấy sẹo lồi ở mặt, các vùng khác của thân mình, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

 

Sẹo lồi thường xuất hiện sau khi da bị tổn thương. Tổn thương có thể là do: chấn thương, vết rách da do tai nạn; vết cắt do phẫu thuật; bỏng da; một số bệnh da như mụn trứng cá, nhiễm trùng da,… Tuy nhiên, vết thương da chỉ có thể trở thành sẹo lồi khi tồn tại những yếu tố nguy cơ sau đây: người có cơ địa sẹo lồi (những người đã có sẹo lồi trước đó), vết thương căng quá hoặc chùng quá, tồn tại vật lạ trong da.

 

Tuỳ loại sẹo có cách trị riêng
 

Khi muốn giải quyết sẹo lồi, chúng ta nên đến khám và tham vấn ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tránh nghe những lời đường mật quảng cáo của một số trung tâm thẩm mỹ cam kết sẽ điều trị dứt hẳn, không còn dấu vết nào của sẹo. Sau khi đánh giá đúng tình trạng sẹo lồi, các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp. Hiện nay có một số cách sau:

 

Tiêm corticosteroid trong sẹo: đây là một trong những phương pháp điều trị chuẩn lâu dài. Tác dụng phụ thường thấy là teo da, dãn mạch tại chỗ tiêm chích hoặc rối loạn kinh nguyệt. Phương pháp này có thể kết hợp với các phương pháp khác như áp nitơ lỏng hoặc dán silicone gel để tăng hiệu quả. Tiêm có thể cần được lặp lại vài lần cách nhau mỗi 1-2 tháng, tuỳ diễn tiến của sẹo và các tác dụng phụ có thể xảy ra.

 

Tiêm 5FU trong sẹo: chỉ dùng trong trường hợp sẹo lồi nhỏ, gọn. Tiêm thuốc này gây rất đau cho bệnh nhân. Trung bình sau từ 5 – 10 lần tiêm mới đạt hiệu quả. Do đó đây là yếu tố giới hạn cho việc áp dụng điều trị.

 

Áp hoặc phun nitơ lỏng: áp hoặc phun mỗi lần cách nhau mỗi ba tuần. Hơn 1/2 trường hợp sẹo lồi sẽ phẳng ra sau 8-10 lần điều trị.

 

Thoa imiquimod 5%; mỡ clobetasol, tacrolimus, kẽm: hiệu quả còn hạn chế, đang cần được nghiên cứu thêm.

 

Bôi hoặc dán tấm chứa silicone dạng gel: có tác dụng tốt trong những trường hợp sẹo lồi non ở trẻ em. Tuy nhiên việc điều trị này cần thời gian lâu dài và liên tục từ 6 - 12 tháng. Do đó bệnh nhân rất khó tuân thủ điều trị và có thể bị nhiễm trùng tại chỗ dán.

 

Cột, ép: chỉ dùng trong trường hợp sẹo lồi có cuống rõ ràng như đối với các sẹo lồi có cuống ở dái tai do xỏ lỗ tai.

 

Uống methotrexate, colchicine, pentoxifylline: dùng trong những trường hợp dự phòng trước phẫu thuật cho người có cơ địa sẹo lồi. Hiệu quả thấp, chưa được áp dụng tại Việt Nam.

 

Khi sẹo quá lớn thì có thể cắt bỏ sẹo phối hợp với tiêm corticosteroid trong vết thương đang lành hoặc xạ trị. Ngoài ra còn có phương pháp laser màu, argon, CO2, Nd:YAG dùng cho sẹo lồi mới. Phương pháp này gây tốn kém nhiều nhưng hiệu quả không cao và còn đang trong vòng phải nghiên cứu thêm.

 

Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh

Sài Gòn tiếp thị