Vitamin bổ sung: Của thiên trả địa chi cho uổng!

Cơ thể con người không như nhiều loài sinh vật khác, tưởng khéo nhưng lại có nhiều điểm vụng về. Vì không có khả năng tự tổng hợp nên phải trông chờ vào thực phẩm, vitamin bổ sung. Vậy là sinh ra lúc thiếu, lúc thừa.

 

Vitamin bổ sung: Của thiên trả địa chi cho uổng!  - 1


Vì không có khả năng tự tổng hợp sinh tố nên phải trông cậy hoàn toàn vào nguồn thực phẩm, qua đó mục tiêu của tiến trình tiêu hóa và biến dưỡng sẽ là nhằm biến đổi chất dinh dưỡng trong thực phẩm thành 3 thành phần cơ bản trong tỉ lệ tương quan sao cho phù hợp với nhu cầu trong từng thời điểm của cơ thể. Đó là chất kiến tạo, năng lượng hoạt động và hoạt chất dự trữ.

 

Cũng như các tác chất khác, sinh tố cũng được dự trữ nhưng ở mức độ khác nhau, tùy theo cấu trúc cá biệt. Dựa vào tính hòa tan, sinh tố được chia ra 2 nhóm: Sinh tố tan trong chất béo (như A, D, E và K) và sinh tố tan trong nước (bao gồm sinh tố C và nhóm sinh tố B: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12 và acid folic).

 

Trong nhóm sinh tố được hấp thu dưới dạng hòa tan trong chất béo, ngoại trừ sinh tố K, các sinh tố khác (A, D và E) nếu thừa sẽ được dự trữ lâu dài trong cơ thể. Nói cách khác, tình trạng thiếu sinh tố A, D hoặc E khó xảy ra cấp thời mà thường do cơ thể hoặc thiếu hụt trường kỳ hoặc sau một thời gian dài có nhu cầu tiêu thụ cao hơn bình thường.

 

Nhưng bên cạnh lợi điểm đó, cũng vì được tích trữ nên cơ thể có thể bị nhiễm độc nếu thặng dư ba loại sinh tố nói trên. Đây chính là điểm cần lưu ý vì lạm dụng thuốc có sinh tố A, D và E với liều cao có thể dẫn đến hậu quả bất lợi cho cơ thể.

 

Biết là cả 3 loại sinh tố A, D và nhất là sinh tố E đều cần thiết để phòng chống tình trạng ngẫu biến ác tính và xơ vữa tế bào nhưng không thể vì thế mà người bệnh tự ý dùng thuốc hay thầy thuốc cho thuốc không cần kiểm soát. Với nhóm sinh tố tan trong chất béo, đừng tưởng không bổ chiều ngang thì cũng bổ chiều dọc.

 

Cho đến nay, người ta đã xác định là cơ thể con người cần tối thiểu 9 loại sinh tố. Do tính chất hòa tan trong nước nên các loại sinh tố này dễ bị đào thải qua nước tiểu. Sinh tố thuộc nhóm tan trong nước nên có nhược điểm là không được dự trữ lâu trong cơ thể, vì vậy cơ thể dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt nếu nhu cầu tiêu thụ sinh tố vì lý do nào đó bất ngờ gia tăng mà nguồn dự trữ không được bổ sung kịp thời.

 

Chuyện gì cũng có hai mặt. Các loại sinh tố tan trong nước tuy có lợi điểm là khó gây tình trạng nhiễm độc cho cơ thể nhưng mặt khác lại dễ bị bài tiết nếu lượng thu nhập vượt định mức bình thường. Điều này cũng có nghĩa mọi hình thức gia tăng hàm lượng các loại sinh tố tan trong nước, nếu không vì mục tiêu điều trị chuyên biệt với bài bản hẳn hoi, trên thực tế đều là lãng phí theo cả hai ý nghĩa y học và kinh tế.

 

Không có nhu cầu mà dùng thuốc có sinh tố tan trong nước với liều cao ngày này qua tháng khác thì người thấy khỏe re lại là... nhà sản xuất.

 

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Trung tâm Điều trị ô xy cao áp TPHCM/ NLĐ