Virus lợn trong vắcxin có hại cho sức khỏe?

(Dân trí) - Thông tin trong vắcxin ngừa tiêu chảy Rotarix của hãng GSK bị phát hiện có chứa thành phần của một virus cư trú trên cơ thể lợn khiến nhiều người hoang mang, lo ngại liệu virus này có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe những trẻ đã uống vắcxin?

E dè cho con uống vắc xin

Ngày 25/3, tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội như tại 70 Nguyễn Chí Thanh, số 4 Sơn Tây, Lò Đúc… người dân đưa con đi tiêm phòng đều rất quan tâm đến thông tin trong vắc xin ngừa tiêu chảy rotavirus Rotarix có chứa một loại virus cư trú trên lợn. Nhiều người đã từng cho con uống một liều vắc-xin trước đó, nay tỏ ra e dè và tạm dừng cho con uống tiếp liều hai.

Chị Phương Vy (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, con chị được uống vắc xin này khi được 6 tuần tuổi. Đến hôm nay, theo đúng lịch hẹn nhưng chị không đưa con tới uống. “Dù nghe nói virus này không nhân lên trong người, không gây hại sức khỏe nhưng mình vẫn lo lắng. Với trẻ nhỏ, tự dưng lại rước thêm một virus lạ vào người làm gì. Rất may, bác sĩ nói với lần uống thứ hai, chỉ cần con uống trước khi tròn 6 tháng tuổi vẫn rất hiệu quả, nên mình sẽ đợi thêm, khi mọi chuyện rõ ràng. Lúc đó cho con đi uống lần hai cũng chưa muộn”.

Theo BS Nguyễn Nhật Cảm, trưởng phòng vắc xin, sinh phẩm và phòng chống dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, đến nay, tại các điểm tiêm chủng dịch vụ ở Hà Nội, vắc-xin Rotarix vẫn đang được cung cấp như bình thường. Vì về mặt pháp lý, việc cho phép hoặc ngừng sử dụng một loại vắc xin nào phải do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương quyết định. Tuy nhiên, trước những thông tin còn đang chưa ngã ngũ về vắc xin Rotarix, Trung tâm sẽ tạm thời không nhập thêm loại vắc xin này.

Có hại cho sức khỏe?

Theo PGS.TS Lê Văn Phủng, Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nếu con đã được uống loại vắc xin có chứa virus cư trú trên lợn. Vì nếu chỉ có vật liệu di truyền của virus trên lợn trong vắc xin thì khi uống phải cũng không phải là quá lo ngại. Trên thực tế, trong quá trình ăn uống hàng ngày, con người ta cũng ăn rất nhiều loại a-xít nuclic khác chứ không riêng gì chất này. Tuy nhiên, để đánh giá thực chất tác hại của virus này đến đâu còn phải tiếp tục nghiên cứu.

“Về nguyên tắc chung, với bất cứ vắc xin nào, chứ không riêng gì vắc xin Rotarix, nếu có chứa chất bất thường thì đều không được chấp nhận về mặt chất lượng và điều đó phản ánh rằng quy trình sản xuất vắc xin có sơ hở. Riêng với trường hợp này, tuy virus PCV – 1 không nhân lên trong cơ thể người, chưa có bằng chứng gây tác hại cho sức khỏe, nhưng nếu quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn như vậy thì chúng ta không chắc chắn được trong vắc xin này, ngoài chứa thành phần virus cư trú trên lợn nó còn chứa chất nào khác hay không. Vì thế, nên đình chỉ, tạm dừng sử những những lô vắc xin mà được thông báo có chứa chất khác thường”, TS Phủng nói.

Trước đó, đánh giá về sự nguy hiểm của virus cư trú trong lợn có trong vắc xin Rotarix, GSK (hãng sản xuất vắc xin này) cũng khẳng định, loại virus được  gọi là PCV-1 có trong vắc xin này không tăng sinh trong cơ thể người và không gây ra bệnh trên người. Virus này cũng được tìm thấy trong các sản phẩm thịt hàng ngày và được ăn thường xuyên mà không gây ra bệnh hoặc triệu chứng bệnh, nhưng về nguyên tắc thì nó không được hiện diện trong thành phần của vắc xin.

Ngay tại Mỹ, tuy chính quyền thông báo tạm dừng sử dụng vắc xin, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng đã ban hành hông báo xác nhận rằng PCV-1 là một virus không nhân lên trong cơ thể người và không là nguyên nhân gây bệnh cho người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra thông báo xác nhận các lợi ích rõ ràng của vắc xin và các nguy cơ mặc dù có sự hiện diện chất liệu từ PCV-1 và cũng không khuyến cáo bất kỳ thay đổi về cách thức sử dụng Rotarix mà nhân viên y tế tại Châu Âu và các nước đang phát triển đang dùng.  

Thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã có văn bản yêu cầu Cục y tế dự phòng, Viện vệ sinh tễ Trung ương, Viện kiểm định quốc gia văc-xin và sinh phẩm y tế để cho ý kiến xử lý đối với  văc xin Rotarix.  Cục cũng đã tiến hành kiểm tra thông tin, tìm hiểu, trao đổi với cơ quan quản lý dược các nước về hướng xử lý liên quan đến việc trên. Đến cuối ngày 25/3, Cục quản lý dược chưa có quyết định ngừng sử dụng văc xin Rotarix. Theo yêu cầu của Cục quản lý dược, ngày 26/3 khi các đơn vị có ý kiến gửi về cục, Cục quản lý Dược sẽ quyết định tạm dừng hay tiếp tục sử dụng vắc xin Rotarix.

 Hồng Hải