Việt Nam sẽ sớm sản xuất vắc xin cúm A/H1N1

(Dân trí) - “Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được vắc xin phòng cúm A/H1N1. Hiện chúng tôi chỉ chờ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đồng ý thì chủng vi rút H1N1 sẽ được chuyển về Việt Nam để bắt đầu quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng cúm”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1, thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ TƯcho biết tại hội thảo Nghiên cứu và phát triển vắc xin cúm ở người do Bộ Y tế phối hợp với WHO và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 8/6.

Theo GS Vân, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vắc xin phòng loại cúm này. Vì quy trình sản xuất về cơ bản vẫn theo quy trình sản xuất vắc xin cúm nói chung. WHO và các tổ chức y tế quốc tế cũng đã sẵn sàng giúp đỡ, liên hệ và cung cấp miễn phí các chủng vi rút cúm A/H1N1 cho nhà sản xuất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 đã chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hàn Quốc để xin chủng vi rút cúm A/H1N1. Nhiều khả năng trong tuần này chủng giống vi rút cúm A/H1N1 đầu tiên sẽ về đến Việt Nam, ngay sau đó các nhà sản xuất trong nước có thể bắt đầu vào nghiên cứu và sản xuất.

Hiện trên thế giới đã có khoảng 30 nhà sản xuất đã bắt đầu bắt tay vào sản xuất vắc xin cúm A/H1N1. Tuy nhiên phải mất ít nhất 5 hoặc 6 tháng nữa thì mẻ vắc xin cúm A/H1N1 đầu tiên mới được ra lò.

GS Vân cho biết, vắc xin phòng cúm A/H5N1 do Việt Nam sản xuất đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 240 người tình nguyện. Ở lần thử nghiệm đầu tiên, vắc xin đã cho kết quả đạt miễn dịch đến 97%. Nếu đợt hai này tiếp tục thuận lợi thì cuối năm 2009 sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba trước khi đưa vào sản xuất dịch vụ cho cộng đồng.

Nguy cơ cao tái tổ hợp vi rút mới

Cũng tại hội nghị này, ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại và lưu hành nhiều chủng vi rút cúm khác nhau, như vi rút cúm mùa, cúm gia cầm A/H5N1 và cúm A/ H1N1. Hệ thống giám sát dịch cúm tại 15 điểm ghi nhận trung bình mỗi năm có khoảng 1,6 đến 1,9 triệu người mắc cúm mùa. Cúm A/H5N1 đã ghi nhận 111 người mắc từ năm 2003 đến nay, làm 57 người tử vong.

Về dịch cúm A/H1N) đang lưu hành mạnh trên thế giới và đã xuất hiện tại Việt Nam với số bệnh nhân cúm A/H1N1 tăng lên từng ngày, ông Dương đánh giá đây là một nguy cơ cao cho sự tái tổ hợp vi rút. Vì hiện tại, Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều chủng vi rút cúm khác nên hoàn toàn có nguy cơ kết hợp giữa vi rút cúm A/H1N1 và vi rút cúm A/H5N1 tái tổ hợp thành một chủng vi rút mới có độc lực cao hơn là rất lớn.

Vì thế, người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh theo những khuyến cáo của Bộ Y tế. Phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường để đến viện sớm, điều trị kịp thời, giảm sự lây lan ra cộng đồng.

Hồng Hải