Việt Nam có gần 500 ca cúm A/H1N1

(Dân trí) - “Trong ngày 23/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó miền Nam: 21 ca, miền Trung: 3 ca, nâng tổng số lên 499 trường hợp”, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết.

Trong số 21 ca tại miền Nam, đáng lưu ý nhất là đã có nhiều học sinh sinh viên trên địa bàn TPHCM có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Cụ thể là có 3 sinh viên trường Đại học RMIT (Q.7), 1 sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (Q.5), 2 học sinh trường tiểu học KUMON, 2 học sinh trường Nguyễn Khuyến.

 

Trong đó,  học sinh đầu tiên của trường tiểu học KUMON (152 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận-Nhật Bản) bị nhiễm cúm đã được điều trị cách ly cùng mẹ tại BV Nhi Đồng 1. Đến chiều tối đã có thêm 1 học sinh của trường KUMON cũng đã bị dương tính với cúm A/H1N1.

 

Theo BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca dương tính ở các trường đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM, Đại học RMIT cùng 2 học sinh tiểu học KUMON đều có yếu tố lây nhiễm từ nước ngoài. 

 

Tại trường THTT Nguyễn Khuyến vào buổi sáng, chỉ có ca L.T.N.L, nữ sinh lớp 12C8, đến trưa đã có thêm 1 ca nữ sinh lớp 8 cũng đã được xác định dương tính lần 1, đang chờ kết quả xét nghiệm PCR lần 2. Ngoài ra, hiện có 47 học sinh có biểu hiện sốt đang được cách ly trong bệnh viện dã chiến trường Nguyễn Khuyến.

 

Riêng trường Ngô Thời Nhiệm, sáng ngày 23/7, BS Nguyễn Văn Châu cho biết đã có 82 ca dương tính, còn theo báo cáo nhanh chỉ có 72 ca dương tính. Khi trả lời về sai biệt này, BS Nguyễn Văn Châu cho là 72 ca đã xác định dương tính, còn 10 ca đang chờ kết quả cuối.

Tính đến 17h ngày 23/7/2009, đã có 346 bệnh nhân được ra viện, 153 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Về dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, dịch đã có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng. Đã ghi nhận bệnh nhân cúm A/H1N1 lây lan tại trường học. Trong khi đó, thời gian tới là thời điểm học sinh, học sinh, sinh viên tựu trường, là điều kiện cho vi rút dễ lây lan và bùng phát thành dịch tại các trường học, cơ quan, cộng đồng.

 Đánh giá về đề tài cấp nhà nước Điều tra dịch tễ học, vi rút học và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch mà Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho rằng, trong thời điểm này, việc tiếp tục nghiên cứu về vi rút cúm A/H1N1 là vô cùng quan trọng. Vì khi dịch đã lan ra cộng đồng thì rất khó tiến hành xét nghiệm tất cả các ca nghi ngờ, mà việc giám sát trọng điểm theo dõi xem vi rút có biến đổi không và tập trung điều trị các ca bệnh là rất quan trọng.

Thông qua giám sát trọng điểm, nghiên cứu về gen, theo dõi tính biến dị, so sánh các chủng vi rút với nhau sẽ giúp kịp thời phát hiện sự biến đổi của vi rút cúm A/H1N1 mới, giúp cho việc lập mô hình diễn biến dịch (số ca mắc, tử vong, ước tính số người nằm viện...), từ đó có những giải pháp dự phòng chủ động và đáp ứng công tác phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả hơn.

Hồng Hải - Ngọc Thanh