Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính?

(Dân trí) - Nhiều người hoài nghi thậm chí không công nhận quan điểm “Nghiện ma tuý là bệnh mãn tính của não bộ”. Trong khi đó quan điểm này hoàn toàn dựa trên những căn cứ và bằng chứng khoa học được công nhận.

 

Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính? - 1
Các loại ma tuý

Gây “biến dạng” những bộ phận quan trọng trong não

Những khám phá mang tính bước ngoặt về tác động của ma túy lên não bộ  đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức về nghiện và điều trị nghiện.

Viện Quốc gia về lạm dụng chất Hoa Kỳ (NIDA) đã chứng minh rằng ma tuý làm thay đổi các vùng cuống não, vùng vỏ não, hệ viền theo hướng thúc đẩy hành vi lạm dụng ma tuý, điển hình là hội chứng nghiện. Nó can thiệp vào hệ thống thần kinh, bao gồm các neuron, chất dẫn truyền thần kinh dopamine, thể thụ cảm, chất vận chuyển.

Trong đó, ở người bình thường, ăn uống, tập thể thao, quan hệ tình dục làm tăng lượng dopamine, làm cho người ta có cảm giác dễ chịu, vui vẻ và có động cơ để tiếp tục thực hiện các hoạt động này. Nói cách khác, mỗi khi lượng dopamine tăng lên con người sẽ có khoái cảm, cảm thấy sung sướng, vui vẻ. Cảm giác dễ chịu này được lưu giữ trong vùng ký ức ở não và thúc đẩy người ta lặp lại những hành vi mang lại khoái cảm này.

Nghiện ma tuý là tình trạng lệ thuộc về thể chất và mất khả năng kiểm soát hành vi sử dụng do ma tuý đã gây ra các thay đổi lâu dài trong não bộ.

Ma tuý làm tăng ồ ạt lượng dopamine, tạo ra khoái cảm rất mạnh. Cảm giác này cũng được lưu giữ trong vùng ký ức của não, dẫn đến cảm giác thèm nhớ, thường rất dai dẳng. Để bảo vệ cơ thể, không cho lượng dopamine tăng quá nhiều (gấp từ 2-12 lần mức độ bình thường), não bộ sẽ buộc phải điều hoà bằng cách sản sinh ra ít dopamine nội sinh hoặc giảm số lượng các thụ cảm thể dopamine (thụ cảm giúp dẫn truyền cảm giác sung sướng). Hậu quả là người dùng ma tuý sẽ phải liên tục bổ sung ma tuý để bù đắp lượng dopamine thiếu hụt.

Đây là lý do người sử dụng ma tuý sẽ dần cảm thấy chán nản, thiếu sinh khí, trầm uất và không thể tiếp tục tận hưởng những gì trước kia mình thích khiến họ phải tiếp tục sử dụng ma tuý để tăng lượng dopamine trở lại mức bình thường. Cộng thêm với ký ức về khoái cảm khi sử dụng ma túy luôn luôn nhắc nhở, người sử dụng tiếp tục sử dụng - tạo thành vòng xoáy vô tận.

Chưa kể, khi lượng dopamine tăng ồ ạt sẽ gây thiếu hụt các thụ thể dẫn truyền cảm giác (mỗi phân tử dopamine sẽ cần tới 1 thụ thể để truyền tín hiệu).

Hay chất dẫn truyền thần kinh glutamate có khả năng tác động lên đường dẫn truyền khoái cảm và khả năng học tập bị thay đổi nồng độ do ma tuý sẽ khiến não bộ cố đền bù và dẫn tới suy giảm khả năng nhận thức.

Tương tự, chất endorphine, một mooc-phin nội sinh của cơ thể, cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ ở người nghiện heroin, khiến họ rơi vào tình trạng “vật vã” khi “đói thuốc”.

Điều thú vị là các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng ma tuý đã chụp được sự thay đổi rõ rệt ở các khu vực của não bộ đến lượng thụ cảm thể dopamin D2, lượng chất xám trong não người nghiện trong các thời điểm khác nhau:

Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính? - 2

Ảnh bộ não bình thường, não lạm dụng ma tuý đá, ngừng 1 tháng – Lạm dụng ma tuý đá ngừng 14 tháng

Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính? - 3

Khối lượng chất xám ở thuỳ trán của người nghiện có thể thấp hơn tới 20% so với người không nghiện.

Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính? - 4

Bộ não bị thay đổi khủng khiếp khi sử dụng heroin

Liên quan đến sự tác động của ma tuý với sự phát triển của não bộ và độ đàn hồi của não ở lứa tuổi 24 trở xuống, BS Hải Oanh cho biết: “Quá trình trưởng thành của não từ sau ra trước và hoàn tất lúc khoảng 24 tuổi, do đó tiếp xúc với chất gây nghiện trong thời kỳ thanh thiếu niên, khả năng phục hồi sẽ kém và nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn sẽ rất cao”.

Như vậy, sự tác động của ma tuý đối với con người không chỉ là về tâm lý mà cả bộ não. Và sự thay đổi của não bộ chính là biểu hiện của bệnh lý.

Cơ chế tái nghiện - Giống như tái phát bệnh mãn tính

Vì sao nghiện ma tuý là… bệnh mãn tính? - 5

Theo BS Hải Oanh, tỉ lệ tái nghiện ở những người điều trị cai nghiện hiệu quả là khoảng 40-60%, tương đương với tỉ lệ tái phát các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, hen.

Như thế, người nghiện cần được điều trị suốt đời giống như một bệnh mãn tính để giảm bớt nguy cơ tái nghiện.

“Giống như mẹ tôi, một bệnh nhân cao huyết áp, từng bị tai biến nhẹ vì “sáng kiến” sử dụng dưới liều chỉ định, sử dụng cách ngày nhằm tiến tới bỏ hẳn thuốc mặc dù được bác sĩ chỉ định phải dùng thuốc hằng ngày. Sau lần tai biến đó, bà dùng thuốc đều đặn, không bao giờ sợ rằng mình bị phụ thuộc vào thuốc nữa”, BS Hải Oanh dí dỏm lấy ví dụ.

Lấy 1 ví dụ khác, BS Hải Oanh cho biết tại Pháp và Hà Lan, đã có những trường hợp dùng thuốc thay thế heroin đã 40 năm và họ vẫn khoẻ mạnh, lao động, sinh hoạt bình thường.

Hơn thế, các nghiên cứu về thần kinh đã nhận thấy trong bộ não có một cơ sở chung cho tất cả các loại chất gây nghiện (ví dụ: nicotin, heroin, cocain, rượu...). Cơ sở này được gọi là Brain Reward System (tạm dịch là: Hệ thống Củng cố trong não), với các chức năng chủ yếu là:

Tăng cường những hành vi có lợi cho sự tồn tại của con người - ví dụ, ăn đồ ngọt, những thức ăn ngon để cung cấp dinh dưỡng; uống nước để cung cấp nước cho tế bào; hoạt động tình dục để duy trì nòi giống; tập thể dục để cải thiện sức khoẻ.... Củng cố những hành vi này để đảm bảo là chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chúng.

Và người nghiện heroin sẽ có những cảm giác dễ chịu, luôn gợi sự thèm nhớ, thúc giục họ sử dụng lại chất mang đến khoái cảm này. Và khi cảm giác này lặp đi lặp lại, nó sẽ khắc sâu tới mức có thể là vĩnh viễn.

“Đây là lý do tại sao lại khó có thể vượt qua được thói nghiện và tại sao hiện tượng tái nghiện lại xảy ra, và tại sao đôi khi phải mất nhiều năm mới có thể bỏ hẳn được ma tuý”, BS Hải Oanh nhấn mạnh.

Bài 3: Điều trị nghiện ma tuý như thế nào?

Nhân Hà

Email: tranthuphuong@dantri.com.vn