Vì sao Bộ Y tế điều chỉnh tiêu chuẩn sức khoẻ nghề lái tàu?

(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết, Tổ biên tập đang xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn sức khoẻ cho người lái tàu nhằm đảm bảo an toàn cho chính nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho dân cư nơi có đường sắt chạy qua.

Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang gây xôn xao dư luận khi đưa ra các quy định về vòng ngực, chức năng sinh lý, bệnh lý (nhãn khoa, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, khớp, da liễu, tiêu hóa, nội tiết chuyển hóa (béo phì, gout…), tiết niệu - sinh dục nữ/nam, răng vẩu… khi khám sức khỏe cho việc tuyển dụng và khám định kỳ.

Vì sao Bộ Y tế điều chỉnh tiêu chuẩn sức khoẻ nghề lái tàu? - 1

Ngày 2/4, lý giải về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Giao thông vận tải (năm 1988 – 2000), sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành của ngành y tế và ngành giao thông vận tải, năm 2001 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, trong đó có đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển”.

Theo Bộ Y tế, từ đó đến nay ngành đường sắt đã và đang áp dụng những tiêu chuẩn sức khỏe để khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đường sắt. Tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ tàu.

Cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh, làm đầu mối, chủ trì soạn thảo. Trên cơ sở những tiêu chuẩn hiện hành và căn cứ tình hình thực hiện qua việc sử dụng nhân viên đường sắt được khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe định kỳ, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và Cục Y tế giao thông vận tải, Trung tâm y tế đường sắt xây dựng dự thảo Thông tư trong đó có dự thảo “Tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ tàu” gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) để xem xét, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Thông tư này là căn cứ để cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt và là căn cứu để ngành giao thông vận tải tuyển dụng nhân viên đường sắt phù hợp với các chức danh.

Cũng theo Bộ Y tế, nghề trực tiếp phục vụ chạy tàu được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xếp vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm loại IV và loại V nên tiêu chuẩn sức khỏe dành cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu cần phải quy định chặt chẽ, để không có các bệnh có thể gây biến chứng bất kỳ ảnh hưởng đến công việc.

Hơn nữa công việc này không nên có các dị tật làm ảnh hưởng đến thao tác chuyên môn liên quan đến việc phục vụ chạy tàu. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu công việc và đảm bảo tính mạng cho chính những nhân viên đường sắt khi làm nhiệm vụ.

Với những lý giải trên Bộ này cho rằng, Thông tư này là căn cứ để cơ sở khám chữa bệnh thực hiệc khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt và là căn cứu để ngành giao thông vận tải tuyển dụng nhân viên đường sắt phù hợp với các chức danh.

Hồng Hải