Các ca viêm phổi nặng và tử vong:

Vi rút Rino không phải là thủ phạm

(Dân trí) - 9 bệnh nhi đã bị tử vong và 6 trẻ khác đang tiếp tục được điều trị vì viêm phổi cấp do vi rút Rino. Những con số này khiến không ít người dân hoang mang lo sợ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Thị Quỳnh Mai, Trưởng khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, vi rút Ri no không phải là căn nguyên chính gây viêm phổi nặng dẫn đến tử vong mà nó là do phối hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau.

Khó có sự biến đổi của vi rút

TS Mai khẳng định, từ trước tới nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vi rút Rino chỉ gây những triệu chứng về đường hô hấp nhẹ, như hắt hơi, xổ mũi, ho… và rất hiếm gây ra viêm phổi. Có thể nói, đây là loại vi rút ôn tính, không gây nguy hiểm nhiều cho người bệnh.

Bình thường, có thể vi rút Rino đã khu trú trên cơ thể, chỉ chờ cơ hội để bùng phát bệnh. Ở những người nhiễm vi rút này mà thể trạng tốt, được chăm sóc hợp lý, điều trị kịp thời thì ít khả năng gặp nguy hiểm. Thậm chí có thể điều trị bằng các biện pháp chữa cảm cúm thông thường trong dân gian.

Trên thực tế, theo thống kê năm 2007, tất cả những ca viêm phổi nặng do vi rút chỉ xác nhận 2% ca bệnh có sự hiện diện của vi rút Rino. Tuy nhiên, thông thường Rino lại đồng nhiễm với vi rút khác, như vi rút Adeno, vi rút hợp bào đường hô hấp….

Nhưng chỉ trong vòng 2 tháng, tại Bệnh viện Nhi TƯ, 19 bệnh nhi đã được xác định là viêm phổi do vi rút Rino, 9 trong số đó đã tử vong làm rất nhiều người hoang mang, cho rằng loại vi rút này đã có sự biến đổi. TS Mai khẳng định, Rino không phải là vi rút cúm, chỉ là vi rút gây bệnh viêm đường hô hấp, vì thế vấn đề biến đổi, thay đổi độc lực là rất khó.

TS Mai cảnh báo, vi rút Rino cũng có thể gây viêm phổi nhưng nó thường đồng nhiễm với vi rút khác. Vi rút Rino không nguy hiểm như vi rút cúm. Vì cúm thường túyp A, B cũng có thể gây viêm phổi nặng. Theo thống kê năm, 2007, cúm thường túyp A, B gây viêm phổi năng chiếm tỷ lệ 70% trong những trường hợp viêm phổi nặng. Vì vậy, ngoài nâng cao thể lực, tiêm vắc xin cúm cũng là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm. Mọi người nên tiêm phòng trước mùa cúm 1 tháng. Tại VN, theo dịch tễ, tháng 3 dương lịch là một trong những tháng có tỷ lệ mắc nhiễm cúm cao nhất, tiếp đó là tháng 10.

Do thời tiết quá lạnh

Theo TS Mai, chỉ trong một thời gian ngắn mà xảy ra nhiều ca viêm phổi cấp do vi rút Rino và có tới gần 50% bệnh nhân tử vong, nguyên nhân có thể do thời tiết giá lạnh kéo dài, điều kiện sống không được cao khiến những trẻ có sức đề kháng kém bị nhiễm vi rút Rino hay bất cứ loại vi rút nào khác không phải là điều lạ.

“Theo tôi, tử vong vì viêm phổi cấp do vi rút Rino chỉ là nguyên nhân sau, chủ yếu do vấn đề quá lạnh, sức đề kháng yếu. Hơn nữa, có thể việc phát hiện và điều trị muộn nên mới để lại hậu quả nặng nề như vậy”, TS Mai nói.

Vi rút Rino có thể gây bệnh trên cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người già thì hay mắc hơn. Nếu bị đồng nhiễm với một số vi rút khác, bệnh tình sẽ càng trở nên nặng nề. Với những người có sức đề kháng yếu, nhiễm vi rút dù nhẹ cũng rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm.

Có thể phòng ngừa

Đây là loại vi rút lây qua đường hô hấp nên tốc độc lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì đây chỉ là vi rút gây viêm đường hô hấp thông thường, không có gì đặc biệt và có thể phòng ngừa. Bệnh cũng khó lây lan thành dịch vì nó chỉ gây bệnh về đường hô hấp thông thường với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho… và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt.

Đây là căn bệnh lây qua đường hô hấp, qua mũi, họng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp… vì thế, việc kiểm soát cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, chỉ có thể nhiễm vi rút và biểu hiện bệnh ở những người có sức đề kháng yếu. Do đó, dự phòng tốt nhất là nâng cao thể lực. Vì vi rút Rino cũng như nhiều loại vi rút khác, không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng và cơ thể tự kháng lại.

“Dinh dưỡng là hàng đầu, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Cần ăn, uống đồ ấm, thức ăn dễ tiêu hóa, ăn nhiều hoa quả, trái cây, bổ sung các vitamin, khoáng chất để nâng cao thể lực”, TS Mai nhấn mạnh.

Với trẻ em, cần chú ý giữ ấm, mặc quần áo theo thời tiết. Khi lạnh mặc nhiều, thời tiết ấm lên thì cởi bớt. Vì trẻ thường hoạt động nhiều, mặc nhiều, ra mồ hôi nhiều quá lại là nguyên nhân gây cảm lạnh.

Khi đi đường, nên mang khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt.

Còn khi đã nhiễm bệnh (các bệnh hô hấp nói chung), nên cho trẻ nghỉ học, không đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác. Nếu bệnh có dấu hiệu trở nặng (như khó thở), cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.

Hồng Hải