Vẫn phát hiện bệnh phong ở khu vực thành thị, Hà Nội có ca bệnh

Hồng Hải

(Dân trí) - PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trong năm 2022, bệnh viện phát hiện 50 trường hợp mắc mới bệnh phong, trong đó có ca bệnh ở Hà Nội.

Ngày 23/12, Bệnh viện Da liễu Trung uơng đã tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên người bệnh đang sống, điều trị ở khu điều trị phong Quả Cảm (Bắc Ninh) nhân dịp Tết cận kề.

Theo PGS.TS Doanh, tỉ lệ phát hiện người bệnh phong mới giảm đều qua các năm. Tuy nhiên đây vẫn là căn bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, trong khi đang bị dần lãng quên trong cộng đồng.

Theo thống kê, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong năm 2022 phát hiện 50 trường hợp mắc mới căn bệnh này, trong đó vẫn có các ca ở khu vực thành thị, ở Hà Nội.

Vẫn phát hiện bệnh phong ở khu vực thành thị, Hà Nội có ca bệnh - 1

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương thăm, tặng quà người bệnh tại khu điều trị phong Quả Cảm (Bắc Ninh).

"Việc phát hiện bệnh nhân phong ở nơi đô thị đông dân cư nên khó khăn trong việc tìm rõ nguồn lây, khoanh vùng tiếp xúc, điều trị, bệnh nhân thường qua nhiều chuyên khoa khác khám, sau đó mới phát hiện bệnh phong", PGS Doanh nói.

PGS Doanh giải thích, biểu hiện bệnh phong ở mỗi người là khác nhau. Có trường hợp biểu hiện ở da, nhưng có trường hợp biểu hiện ban đầu là yếu cơ, người ta có thể khám chuyên khoa dị ứng, cơ xương khớp, thần kinh, đa khoa... rồi mới đến da liễu. 

"Dù là bệnh truyền nhiễm, lây lan qua hô hấp, tiếp xúc, nhưng tỉ lệ mắc bệnh phong hiện nay rất thấp, số lượng bệnh nhân giảm thấp dưới 1/10.000 dân, đây không còn là vấn đề y tế công cộng nữa. Bên cạnh đó, nguồn lây bệnh phong rất chậm, tiếp xúc nguồn lây có thể sau 5-10 năm mới mắc bệnh và khả năng lây khó hơn các bệnh khác. Bệnh nhân phong phát hiện, điều trị, khi uống liều thuốc đầu tiên, nguồn lây bệnh nhân không còn nữa", PGS Doanh thông tin thêm.

Sau khi người bệnh kết thúc giai đoạn điều trị thì trong 3-5 năm tiếp theo, bệnh nhân và người xung quanh họ vẫn nằm trong diện giám sát nguồn lây để kịp thời phát hiện sớm ca mắc.

Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng nêu gương Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực Thái Bình Dương về phòng chống bệnh phong.

Trong nhiều năm qua, Chương trình Phòng, chống bệnh phong ở nước ta đạt nhiều kết quả tích cực, đã đưa những tiến bộ y học vào điều trị giúp cứu chữa cho hàng chục nghìn người bệnh phong thoát khỏi dị hình tàn tật và những biến chứng của căn bệnh này.

Tuy nhiên, người mắc bệnh phong vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội do gánh nặng bệnh tật, nhất là những di chứng, dị hình tàn tật thể hiện rõ trên cơ thể.

Vì thế, trong dịp Tết, Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức thăm hỏi, trao quà cho khoảng 800 bệnh nhân phong đang sống, điều trị ở 10 khu điều trị phong của miền Bắc gồm: Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên.

"Đây là hoạt động thường niên của bệnh viện, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người bệnh phong, đặc biệt là sự động viên tinh thần rất lớn với bệnh nhân. Có những người gắn bó 60-70 năm ở khu điều trị phong, sự thăm hỏi, những món quà sẽ đem đến niềm vui tinh thần, sự quan tâm của cộng đồng với người bệnh", PGS Doanh nói.