Tung, lắc trẻ dễ gây tổn thương não

Bé T. 3 tuổi vào Bệnh viện Xanh Pôn với những dấu hiệu co giật, chân tay yếu… Sau khi chụp cắt lớp, các bác sỹ thấy xuất hiện ổ nang dịch khoang dưới nhện của bán cầu đại não. Hỏi mới biết bố bé T. thường chơi đùa tung đỡ cháu ở nhà.

Khó phát hiện

 

Số lượng các mạch máu não của trẻ em nhiều hơn người lớn gấp nhiều lần, đặc biệt là khoang dưới màng nhện, song cấu trúc thành mạch lại không bền bằng người lớn.

 

Những cử chỉ âu yếm tung đỡ con của bố bé T. đã vô tình làm bé bị chảy máu não, lâu ngày tiêu huỷ thành dịch tồn tại ở dạng nang gây chèn ép, làm ảnh hưởng đến chức năng não, thậm chí vôi hoá gây ra các triệu chứng của động kinh.

 

Quá trình diễn biến của tổn thương não diễn ra âm thầm, bố bé không hề hay biết và vẫn chơi đùa bình thường với con. Tới khi nhập viện, dù đã được phẫu thuật, bé T vẫn sẽ phải gánh chịu những di chứng tàn phế não suốt đời.

 

Cùng cảnh với bé T., bé N. mới 1 tuổi nhưng rất hay quấy khóc. Trong một lần cáu giận, bố bé không thể ngờ rằng, chỉ cái tát đe nẹt con đã gây ra những hậu quả đau lòng.

 

Lúc đầu, bé N. vẫn ăn ngủ bình thường. Năm sáu ngày sau, bé chỉ thỉnh thoảng mấp máy, giật giật mấy ngón tay phải. Nhưng sau đó, cánh tay phải cứ yếu dần, cho tới khi gia đình hốt hoảng đưa con vào viện, các bác sỹ phát hiện bé đã bị chảy máu bán cầu não trái.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Những động tác gây ra nguy hiểm cho trẻ như trường hợp bé T., bé N. được gọi là hội chứng rung lắc trẻ. Rất nhiều trẻ bị hội chứng rung lắc có các tổn thương não xảy ra đã khá lâu mà gia đình không hề hay biết.

 

Do vậy, đa số trẻ bị hội chứng rung lắc ở Bệnh viện Xanh Pôn đều được phát hiện muộn - khi trẻ đã ít nhiều chịu các di chứng của tàn phế não. Trẻ chỉ được đưa tới cơ sở y tế khi đã bị chảy máu não, đứt sợi trục thần kinh, phù não, tổn thương vùng tuỷ cổ, ngừng thở, ngừng tim, thậm chí tử vong đột ngột.

 

Trẻ bị hội chứng rung lắc thường có những triệu chứng khác nhau như: Chậm phát triển tinh thần và vận động, yếu hoặc liệt tay chân, co giật, hôn mê....

 

Tuy vậy, bác sỹ Phúc cho biết thêm, có nhiều trẻ bị hội chứng lắc nhưng không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất mờ nhạt, đến một lúc nào đó, thậm chí khi đứa trẻ đã trở thành một cụ già, những triệu chứng đó mới xuất hiện rõ rệt.

 

Hành động nguy hiểm - Khó phân định

 

Trên toàn thế giới, có tới khoảng 33% trẻ bị chấn thương sọ não là do hội chứng lắc, trong đó có tới 8% trẻ bị tử vong, số còn lại bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời.

 

Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm thực tế của bác sỹ Phúc, số bệnh nhi chắc chắn không thể ít hơn số thống kê trên. Hội chứng lắc hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trẻ càng lớn, hội chứng lắc càng ít xảy ra.

 

Tuy vậy, khái niệm về hội chứng rung lắc trẻ vẫn còn khá mới mẻ đối với người dân và cả không ít cơ sở y tế. Trên thực tế, những cử chỉ gây nguy hiểm cho trẻ như trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống, xô đẩy, tung đỡ trẻ… vẫn diễn ra khá phổ biến.

 

Khi trẻ quấy khóc, nghịch ngợm…, nếu người lớn cáu giận tát, đánh vào đầu hay có những hành động bạo hành làm đầu trẻ bị di chuyển nhanh và mạnh cũng có thể gây hội chứng rung lắc.

 

Hơn nữa, hiện vẫn chưa có nhiều cơ sở y tế đủ kỹ thuật siêu âm sọ não qua thóp, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não để chẩn đoán bệnh một cách chính xác.          

 

Theo bác sỹ Phúc, rất khó có thể định lượng rạch ròi được hành động bế, nhấc, tung đỡ… trẻ đến mức độ nào là an toàn hay gây nguy hiểm. Vì các tổn thương não của hội chứng lắc còn phụ thuộc vào cơ địa của từng đứa trẻ.

 

Theo Thanh Loan

Công an Nhân dân

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ