Từ mẫu và... phù thuỷ

Ngành y là một ngành nhạy cảm. Người bệnh được giúp đỡ nhưng cũng có thể bị tổn thương bởi thầy thuốc. Ngược lại, lắm khi thầy thuốc thấy đau lòng vì sự khe khắt đến cực đoan của người bệnh.

Từ mẫu và... phù thuỷ - 1

Hằng ngày, nhân viên y tế phải tiếp xúc với những vấn đề tế nhị nhất của con người, lúc con người bộc lộ sâu sắc sự yếu ớt và bất lực của mình

 

Bạn có cảm giác gì khi thấy một vị giám đốc oai phong, ngày ngày hét ra lửa, đang ngồi co ro như một đứa trẻ cần che chở, bộ mặt nhăn nhúm vì sợ hãi khi biết mình bị ung thư? Có bao giờ bạn phải ngửi mùi tanh nồng của máu hoà với mùi hôi hám của rượu và thức ăn lên men phát ra từ cái miệng đang ra sức chửi rủa, văng tục chưa? Bạn cảm thấy thế nào khi phải chăm sóc, băng bó cho một người đầy mùi xú uế vì đã bài tiết trong lúc hôn mê? Bạn nghĩ gì khi phải chịu đựng một người cửa quyền vào cấp cứu trong lúc say đòi gặp ông này bà nọ, đòi đuổi việc bạn vì bạn không trả lời những câu hỏi vớ vẩn của ông ta? Bạn cảm thấy thế nào khi phải vục tay vào một vết thương sâu hoắm hoặc một cặp mắt bị trái nổ nát bét không còn chút hy vọng nào? Bạn đã bao giờ thấy người ta xếp lại từng mảnh da bị cày xới bởi kính xe hơi vỡ trên mặt một người phụ nữ trẻ chưa? Bạn sẽ làm gì khi thấy một người phụ nữ nhập cư quỳ xuống khóc ngất trước phòng săn sóc đặc biệt, người ta đã cho bà biết đứa con thứ hai của bà vừa qua đời sau chị nó một ngày vì tai nạn giao thông?

 

Nếu bạn vượt qua được hầu hết những thử thách ấy mà không nhăn nhó, hoặc tốt hơn vẫn tươi cười, bạn sẽ được gọi là “từ mẫu”, còn nếu không thì coi chừng, bạn sẽ là người vô lương tâm.

 

Lần nọ, một nữ điều dưỡng đang cuống cuồng hoàn thành chồng hồ sơ mới để kịp lãnh thuốc cho bệnh nhân trước 11h thì thân nhân bệnh nhân đến hỏi, cô trả lời xong cúi xuống tiếp tục công việc dang dở. Người thân nhân hỏi lần nữa câu hỏi cũ, cô gắt: “Tôi đã nói rồi mà”, người kia nửa đùa nửa thật: “Lương y như từ mẫu mà”. Cô chán ngán nhìn lại: “xưa rồi”. Câu chuyện trở thành chuyện tiếu lâm truyền miệng trong bệnh viện. Cô cũng không buồn thanh minh, ai muốn hiểu cô là “phù thuỷ” hay “từ mẫu” thì tuỳ, miễn cô vẫn hoàn thành trách nhiệm là được. Nhân viên y tế có vẻ ít xúc cảm nhưng họ biết mình phải giúp bệnh nhân bằng chuyên môn chứ không phải bằng nước mắt hoặc những lời xã giao lịch lãm.

 

Niềm vui của thầy thuốc là nét mặt mãn nguyện của bệnh nhân khi ra viện. Có những bệnh nhân vào viện với thị lực chỉ đếm ngón tay, sau khi điều trị nhìn thêm được 2 - 3 hàng trên bảng thị lực đã sung sướng rồi. Bệnh nhân hớn hở cám ơn, bác sĩ lại ngậm ngùi vì biết căn bệnh sẽ tái phát dẫn đến mù loà. Trái lại, có người sau khi mổ đục thuỷ tinh thể, ra viện thị lực 7 - 8/10 vẫn trách móc, kêu ca. Niềm vui không trọn vẹn, đành phải tự an ủi: mình đã cố gắng hết sức nhưng không phải lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân.

 

Bác sĩ không phải thánh, cũng đầy giới hạn nên có lúc gây tai biến cho bệnh nhân, đành phải nghe những lời trách móc, tệ hơn là dọa dẫm, nhục mạ của thân nhân dù trong lòng rối bời không ai chia sẻ. Có một bác sĩ khá lớn tuổi bị công an đến nhà áp giải như tội phạm hình sự, vì một bệnh nhân được ông cắt nốt ruồi đã chết sau khi về nhà vài tiếng. Thật đau xót! theo cách nhìn thiếu cảm thông như thế, cầm dao giúp người lại trở thành giết người.

 

Vậy đó. Nếu bạn chọn vào ngành y chỉ vì vẻ thanh cao của chiếc áo blouse trắng hoặc vì vinh quang của những ca điều trị thành công, quả là sai lầm lớn. Một số người sau sáu năm đèn sách đã bỏ nghề. Số khác chuyển sang làm chính trị, không làm chuyên môn. Có những người mượn tiếng là bác sĩ để có thêm uy tín trên thương trường. Đa số gắn bó với nghề vì còn chấp nhận được. Tận tuỵ với nghề phải là những người yêu nghề, yêu người, hoặc từng khổ đau vì bệnh tật đã cướp đi người thân của mình.

 

Một góc ngành y là như thế. Chắc bạn sẽ bảo tôi bênh vực ngành y quá. Nhưng chỉ bêu xấu ngành y thì phỏng có ích gì. Trong mỗi con người, ai chẳng có những con sâu. Chỉ cần tưởng rằng mình đang ban ơn cho bệnh nhân mà quên mất mình đang phục vụ, bạn có thể tức thời biến thành một con sâu rồi.

 

Nếu sinh viên y khoa và các nhân viên y tế luôn khiêm tốn tự hoàn thiện nhân cách của mình và biết quan tâm hơn đến tâm lý trị liệu, không để mình lệ thuộc vào kỹ thuật đơn thuần thì thật lý tưởng. Về phía bệnh nhân, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu về bệnh tật của mình và cách điều trị để dám nói “không” với những đề nghị không chính đáng của bác sĩ.

 

Có như vậy mới có sự cảm thông giữa thầy thuốc, bệnh nhân và ngăn chặn bớt những tiêu cực.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

Sài Gòn tiếp thị