Trĩ - Khổ vì khó nói

(Dân trí) - “Có người từ một giáo viên nhiệt huyết, yêu trẻ, được trò quý mến đành phải cắn răng bỏ việc do không tự tin với “mùi” cơ thể vì bị trĩ nặng. Cũng có những người vì ngại không đi chữa trĩ mà ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm nói.

Bác sĩ ơi, em bị… trĩ

Phân vân mãi, hết vòng vào lại vòng ra, Thu Thuỷ, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH tự nhiên mới quyết định mua phiếu khám tại BV Bạch Mai. Đợi mãi mới đến lượt khám, vừa bước vào phòng, Thuỷ gặp ngay một “anh” bác sĩ còn rất trẻ. Ngượng ngập, mãi cô mới rụt rè kể vì tình trạng của mình với anh bác sĩ.

Thủy bị táo bón, mỗi khi đi ngoài thường bị lồi ra một cục nhỏ, phải dùng tay ấn mãi mới vào. Thời gian gần đây, cục đó ngày càng lồi ra kèm theo đi ngoài rất đau, rát, thậm chí chảy máu.

Những tưởng kể bệnh xong, kê đơn là… xong. BS bảo Thuỷ vào phòng thay quần chuyên dụng để thăm hậu môn. Nhưng khi vào phòng, thấy quần bị… thủng đít (lỗ khoét tròn nhỏ cho những bệnh nhân cần thăm khám hậu môn, trực tràng), cô lờ mờ hiểu ra là bác sĩ sẽ khám qua lỗ thủng ấy. Vừa nghĩ đến, Thuỷ đã đỏ mặt, vụt chạy ra ngoài nói với bác sĩ không khám bệnh nữa.

Tại phòng khám hậu môn, trực tràng BV Tràng An, PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học VN, Giám Ðốc trung tâm Hậu môn học, Bệnh viện Tràng An cho biết cho biết: "Cũng nhiều trường hợp tương tự xảy ra như bệnh nhân Thủy. Nhưng theo ông, có bệnh thì phải khám, mọi người nên gạt bỏ mặc cảm, e ngại vì sức khoẻ của chính mình".

E ngại không đi khám chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh trở nên nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sức khoẻ. Có người dù biết chắc mình bị trĩ, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, đến khi trĩ đã chuyển sang độ 4, không thể “sống chung” được với nó nữa mới đến viện. Trước sau gì cũng cần điều trị, nếu gạt bỏ mặc cảm, khám sớm, chất lượng sống đã không bị ảnh hưởng quá nặng nề”, BS Nhâm nói.

BS Nhâm kể, đã từng có một thầy giáo, vì mùi hôi khó chịu từ nơi những búi trĩ xa xuống to tướng, mủ, nước nhè nhẹt… mà anh đã phải xin nghỉ việc dù rất yêu bọn trẻ, yêu nghề dạy học. Trẻ con vốn thật thà, có lần một chú nhóc hồn nhiên hỏi thầy, sao người thầy cứ có mùi gì đó khó chịu.

Từ sau câu hỏi rất thật của cậu trò nhỏ, anh đã nghỉ việc. Rồi nhờ BS Nhâm chữa trĩ, khi “nơi ấy” không bốc ra mùi khó chịu nữa, anh mới quay trở lại trường học.

Cũng có người bị trĩ, vài tháng trời, hai vợ chồng không dám gần gũi nhau. Nghĩ đến cảnh vùng đó chảy nước, mủ kèm theo mùi khó chịu, nhiều người mất hết cảm hứng cho chuyện vợ chồng…

Để phòng bệnh trĩ, mọi người cần tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, chè. Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu; Uống nước đầy đủ; Ăn nhiều chất xơ. Vận động thể lực đều đặn.

Chữa không đúng, hậu quả nặng nề

Theo PGS Nhâm, tỉ lệ người bị trĩ rất cao, khoảng 1/2 dân số Việt Nam bị trĩ, từ nhẹ tới nặng. Trĩ thường chỉ gặp ở người lớn, đặc biệt ở lứa tuổi từ 30 - 60. Số bệnh nhân thì rất lớn, nhưng tỷ lệ đi khám, chữa không cao.

Không chỉ vì tâm lý mà nhiều người nghĩ nó không nguy hiểm, không gây chết người. Thực tế, bệnh trĩ không gây tử vong nhưng làm người bệnh vô cùng khổ, đau đớn. Mọi người thường rất ngại đi khám và điều trị trĩ vì lý do tế nhị và thường coi thường nên chỉ đến khi trĩ đã bị biến chứng chảy máu chảy nhiều (máu chảy thành giọt hay thành tia mỗi khi đi cầu hoặc mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy, hoặc khi búi trĩ đã bị xa nằm bên ngoài hậu môn không thể nhét vào được... người ta mới chịu tới bệnh viện.

Bệnh cũng nguy hiểm ở chỗ, nhiều người tự chữa bằng các phương pháp dân gian, thầy lang chưa được kiểm chứng.

PGS Nhâm cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị chít hẹp hậu môn, không thể đi ngoài bình thường được vì chữa không đúng cách. Mới đây, PGS Nhâm đã phẫu thuật chữa chít hẹp hậu môn cho một bà đã gần 70 tuổi. Lỗ hậu môn của bệnh nhân này rất nhỏ, chỉ đút vừa đầu que kem. Cách đây hơn 40 năm, bà bị trĩ và chữa sai cách khiến hậu môn chít hẹp. Vì thế, cũng bằng ấy thời gian, bà phải ăn một chế độ ăn đặc biệt, nhiều nước, đồ loãng, thậm chí còn tự mình ăn mất vệ sinh để bị tào tháo đuổi cho dễ đi ngoài.

Vì thế, nếu thấy khó chịu vì trĩ, mọi người cần tới cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị. Không được tuỳ tiện đắp các loại lá để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng, sưng tấy lên rồi dẫn tới chít hẹp hậu môn, sẽ phải mổ tạo hình hậu môn. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp hiện đại, như với kỹ thuật Longo không chỉ cắt đứt cuống mạch cung cấp máu cho trĩ, điều trị triệt để không cho trĩ tái phát mà còn "sữa chữa" được tình trạng sa niêm mạc. Ðiều đặc biệt của phương pháp này là giúp bệnh nhân hoàn toàn không đau đớn.

Ngoài ra, PGS Nhâm cũng cảnh báo, dấu hiệu chảy máu hậu môn không riêng gì ở bệnh trĩ, mà đó có thể là dấu hiệu của ung thư trực tràng, vì thế, người bệnh càng phải đi khám sớm.

Có một thực tế là bệnh nhân ngại, thầy thuốc cũng ngại nên ít thăm khám hậu môn. Trong đi đó, đây là bước bắt buộc để bước đầu phân biệt được bệnh trĩ và ung thư. Bác sĩ cho ngón tay vào thăm hậu môn, nếu sờ thấy mềm là trĩ, còn nếu là cục cứng, khả năng ung thư.

“Đây là khâu bắt buộc để xác định là trĩ hay bệnh khác. Vì thế, cả bác sĩ, bệnh nhân cần bỏ qua mặc cảm để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Nhất là ở lứa tuổi từ 40 - 60 tuổi mà đi ngoài ra máu càng phải thăm hậu môn, vì nguy cơ ung thư cao. Rất nhiều bệnh nhân đến khám, yêu cầu bác sĩ mổ trĩ nhưng lại hoá ra là ung thư, chiếm từ 3 - 4%”, PGS Nhâm cảnh báo.

Hồng Hải