Trẻ thiếu ngủ - Khả năng miễn dịch giảm 30%

(Dân trí) - “Theo các nhà nghiên cứu Italia, 30% khả năng miễn dịch tự nhiên sẽ bị mất đi khi những trẻ thiếu ngủ dù chỉ chút ít. Tức là trẻ dễ tổn thương khi bị các loại virus hay bệnh truyền nhiễm tấn công” - Bác sĩ Tùng Sơn, Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết.

1. Thiếu ngủ - Nguyên nhân tự gây tổn thương

 

Theo bác sĩ Tùng Sơn, trẻ từ 14 tuổi trở xuống ngủ ít hơn 10 giờ mỗi ngày có thể tự gây tổn thương cao hơn 86% so với trẻ ngủ đủ thời gian.

 

Trẻ ngủ không ngon giấc vào ban đêm sẽ có mức độ cortisol cao, khiến huyết áp tăng và cơ chế miễn dịch yếu đi. Do sự suy yếu của cơ thể, một đứa trẻ dễ thương đến mấy cũng sẽ trở nên hiếu động thái quá, hay đòi hỏi, tính khí thất thường, không tự kiểm soát được bản thân và rất hay nổi giận hoặc bật khóc. Ở trong tình trạng như vậy, chúng rất dễ làm đau bản thân mình.

 

2. Thiếu ngủ - Hạn chế sự phát triển

 

Các chuyên gia y học đã chứng minh rằng cơ thể chỉ sản xuất ra tế bào xương và cơ bắp mới khi trẻ chìm vào giấc ngủ sâu nhất. Do đó, những đứa trẻ thiếu ngủ thường hay ốm hơn và chậm phát triển hơn những trẻ khác. Điều này cũng giúp giải thích tại sao trẻ sơ sinh thiếu tháng phải nằm viện lại thường ngủ lâu hơn và tăng cân nhanh hơn khi ánh sáng ban đêm và tiếng ồn được giảm thiểu.

 

Thời gian ngủ của trẻ:

 

- Từ 3 - 35 tháng: 12 - 14 tiếng/ngày.

 

- Từ 3 - 5 tuổi: 11 - 13 tiếng.

 

- Từ 6 - 10 tuổi: 10 - 11 tiếng/ngày.

 

Những đứa trẻ thiếu ngủ sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cơ thể và cả tinh thần.

3. Thiếu ngủ - Tăng nguy cơ béo phì và bệnh thận

 

Theo các nhà nghiên cứu trường Đại học Chicago (Mỹ), ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến khả năng biến đổi carbonhydrate của cơ thể. Việc biến đổi này kích thích sản xuất insulin và gia tăng lượng đường trong máu có thể dẫn đến hại thận.

 

Bên cạnh đó, thiếu ngủ cũng gây hiện tượng thiếu leptin - một loại hoóc môn có chức năng thông báo khi ta đã no. Khi thiếu leptin, bé sẽ luôn có cảm giác thèm ăn và liên tục đòi ăn. Do đó, béo phì là hiện tượng khó tránh khỏi.

 

4. Thiếu ngủ - Giảm trí nhớ

 

Ở những trẻ thiếu ngủ, sự tập trung, khả năng tư duy giải quyết vấn đề, nói năng trôi chảy và sự sáng tạo sẽ kém hơn nhiều so với những trẻ khác. Trên thực tế, những trẻ ngủ muộn hoặc ngủ thất thường đều khó đạt kết quả học tập tốt và đặc biệt, những trẻ hay ngáy thường có kết quả học tập kém hơn so với trẻ bình thường khác.

 

Nói tóm lại, để con bạn phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, ngoài chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng những ông bố bà mẹ trẻ bảo đảm cho các bé một giấc ngủ đủ, ngon và sâu.

 

Trí Kiên

(Tổng hợp)

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ