Trẻ nhỏ nên đội loại mũ bảo hiểm nào?

(Dân trí) - Từng có ý kiến cho rằng không nên đội MBH cho trẻ dưới 3 tuổi vì sợ bị chấn thương cổ... nhưng thực chất, đó chỉ là do trẻ đội mũ không phù hợp.

Bác sỹ Đồng Văn Hệ - Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức phân tích, trẻ em có đặc điểm xương sọ mềm, có thể “uốn cong”, xương sọ và màng cứng nhiều mạch máu, màng cứng không dính sát xương sọ, khoang dưới nhện rộng, nhiều mạch máu, tỷ lệ nước ở não nhiều, trẻ nhỏ còn thóp… nên khi bị TNGT rất dễ gây chấn thương. Nếu không có mũ bảo hiểm che đỡ, chấn thương này nhất định sẽ nặng hơn do sự va đập mạnh giữa đầu với mặt tiếp xúc.

Cùng với quan điểm này, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIPF) đã từng khẳng định, trẻ nhỏ bắt đầu từ 6 tháng tuổi đã có thể đội mũ bảo hiểm khi cha mẹ cho lưu thông bằng phương tiện xe máy. Theo nghiên cứu của AIPF, khi ngồi trên xe máy, đầu các em nhỏ sẽ cách mặt đất khoảng 1,5m. Nếu bị ngã, các em sẽ bị rơi xuống đường. Chấn thương từ độ cao như vậy sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến đầu, não của các em do hộp xương sọ rất mềm, mỏng. Chấn thương này có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Tại khoa Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức đã tiếp nhận rất nhiều em nhỏ bị CTSN do TNGT rất nặng nề. Các em khi ngã va đập đầu xuống đất không có mũ bảo vệ, rất dễ bị máu tụ dưới màng cứng, máu tụ trong não, dập não, vỡ nền sọ…. Theo thống kê, khoảng 70% CTSN ở trẻ em dưới 2 tuổi có máu tụ dưới màng cứng, nên phải tiến hành phẫu thuật và điều trị lâu dài. Còn tại BV Nhi đồng 2, thống kê cũng cho chấy, bệnh nhi bị các thương tổn nặng nề trong sọ (máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, máu tụ trong não…) chiếm đa số và xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi 3 - 6, kế tiếp là lứa tuổi 7 - 12. Các thương tổn xương sọ (lõm sọ, nứt xương…) cũng thường xảy ra.

“Xương trẻ em có tính đàn hồi hơn xương người lớn, nhưng sức yếu hơn, dễ biến dạng khi va đập mạnh. Vì thế, nếu không may bị va đập do TNGT mà vùng đầu không được bảo vệ sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với người lớn”, PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện nghiên cứu cột sống - Sở Y tế Austin, bang Victoria, Australia nói.

“Các em dù còn nhỏ nhưng sự lưu thông trên đường không phải là ít, bé có thể được bố mẹ chở xe máy đi chơi, đi khám bệnh… Khi cho trẻ lưu thông trên đường bằng phương tiện xe máy, không lý gì người lớn được đội mũ bảo hiểm bảo vệ, còn trẻ nhỏ lại không. Vì nếu không may xảy ra tai nạn bất ngờ, các em rất dễ bị CTSN”, BS Hệ khẳng định.

Còn về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ có thể gây tổn thương đầu cổ vì mũ to nặng thì PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện nghiên cứu cột sống - Sở Y tế Austin (bang Victoria, Australia) cho rằng, vấn đề là cần chọn loại mũ phù hợp cho bé.

Trên thực tế, nhiều bà mẹ cũng không muốn cho con mình đội mũ bảo hiểm vì không có loại mũ phù hợp về kích thước cũng như trọng lượng cho trẻ. Nhiều bé phải đội mũ bảo hiểm cỡ nhỏ của người lớn, trọng lượng lên tới 400 - 500g nên cũng khá nặng, không phù hợp với cấu trúc xương cổ còn yếu, non nớt của các bé.

Còn hiện nay, nhiều loại mũ bảo hiểm cho trẻ rất tốt, nặng chỉ chừng 100 - 250g, trọng lượng này không hề ảnh hưởng đến sức khỏe xương, cổ và đầu của trẻ.
 
PGS Doulas cũng lưu ý chất lượng của mũ thể hiện ở phần lõi xốp bên trong, phải đảm bảo độ cứng mới có tác dụng bảo vệ, còn cha mẹ không cần quá quan tâm đến hình thức vì vỏ nhựa bên ngoài chủ yếu chỉ mang tính trang trí.

Ngoài vấn đề lựa chọn loại mũ có trọng lượng phù hợp, cần lựa chọn kích cỡ mũ vừa vặn vòng đầu, đội mũ đúng cách, thay mũ khác sau khi bị tai nạn, tăng dần kích thước mũ khi trẻ đang phát triển, nên đội mũ từ 10 - 20 phút, hạn chế đội hơn 2 tiếng.

 

Một nửa trẻ CTSN do không đội mũ bảo hiểm

 

Trong số 50 ngàn ca chấn thương sọ não (CTSN) do TNGT, trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4%. Đáng lo ngại là có tới gần 1/2 số trẻ bị CTSN không đội MBH. 

 

Chỉ riêng tại BV Việt Đức, trong 5 năm gần đây có 560 trẻ dưới 14 tuổi bị CTSN và hầu hết là bị nặng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2009, có tới 66,7% trẻ bị CTSN vào Bệnh viện Việt Đức là do TNGT. Các chuyên gia khẳng định, đội MBH sẽ làm giảm tới hơn 72% trường hợp CTSN.

 

Theo một nghiên cứu của BS Hệ, CTSN ở trẻ chiếm 5,4% trong tổng số bệnh nhân ở BV Việt Đức, trong đó do TNGT chiếm 45%. “Nhiều trường hợp trẻ bị CTSN do TNGT bị phù não rất nhanh, dễ suy  thở, suy tuần hoàn dù mất máu ít, điều trị tốn kém và để lại di chứng nặng nề”, BS Hệ đau xót nói.

 

Còn theo số liệu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ ở lứa tuổi đi học và tham gia giao thông hằng ngày (5 - 14 tuổi) bị CTSN do TNGT năm 2008 đã giảm so với các năm trước đó. Theo đánh giá của BS Đặng Xuân Vinh,  điều này có thể là do trong năm 2008, quy định bắt buộc đội MBH bắt đầu có hiệu lực, trẻ được bố mẹ ý thức đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường nên đã số ca CTSN do TNGT giảm.

Hồng Hải
Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ