Trang phục chống nắng nào hiệu quả nhất?

(Dân trí) - Với lý lẽ rằng, tia tử ngoại có thể xuyên qua vải vóc thông thường nên vẫn gây tác hại lên da, có nhiều loại vải sợi được giới thiệu có khả năng che chắn tia tử ngoại triệt để. Vậy thật hư như thế nào?

Trang phục chống nắng nào hiệu quả nhất? - 1

Khả năng xuyên thấu của tia tử ngoại

Trong ánh nắng có ba loại tia cực tím A, B và C, khác nhau do bước sóng:

* Tia UV-A bước sóng 315 - 380 nm, là tia có bước sóng dài nhất trong ba loại tia cực tím, rất gần với bước sóng của quang phổ thấy được. Tia cực tím A có thể xuyên qua mây mù, không khí, thủy tinh, nhựa và gần hết các loại vải thông dụng. Ví như, cái áo phông sợi bông (cotton) chỉ chặn được khoảng 5% tia UVA, còn đến 95% sẽ vượt xuyên qua vải để đến da. Tia UVA có thể phản chiếu các bề mặt như tuyết, nước, cát, cửa sổ, kính chắn gió v.v…

* Tia UV-B bước sóng 280 - 315 nm, gây say nắng, tổn thương đen da…

* Tia UV-C có bước sóng 100 - 280 nm, là loại tia có sức xuyên thấu mạnh nhất. May mắn, tia UVC chết người này thường bị tầng ô-zôn ngăn chặn lại gần hết nên không đến trái đất.

Trang phục chống nắng

Áo quần, trang phục chống nắng (sun-protective clothings, UPF clothings) là những thứ được sản xuất từ vật liệu chống lại được sự xâm nhập của tia tử ngoại chủ yếu là tia UVA lên da.

Tất cả các loại vải chống nắng đều hoạt động theo hai cách cơ bản là “che chắn nắng” (sunscreen) và “phản chiếu nắng” (sunblock).

Vải chống nắng sẽ ngăn chặn hoặc phản chiếu tia cực tím
Vải chống nắng sẽ ngăn chặn hoặc phản chiếu tia cực tím

Để đánh giá khả năng của vải chống nắng, các nhà khoa học dùng thông số UPF (Utraviolet Protection Factor), như chỉ số SPF trong đánh giá cấp độ kem chống nắng. Ví dụ: UPF 3 sẽ cho 1/3 lượng tia tử ngoại đi qua hay cản được 66,6%; UPF 9 sẽ cho 1/9 tia UV đi qua và cản 81%; và UPF 50 sẽ cho 1/50 đi qua và cản đến 98% tia UV còn lại. Quần áo chống nắng UPF thường được nhà sản xuất thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, và dán nhãn trước khi đưa ra thị trường. Trang phục càng tốt có số UPS càng cao tức độ cản tia cực tím càng nhiều, thông thường trên thị trường có UPS từ 30+ trở lên.

Trang phục chống nắng nào hiệu quả nhất? - 3

Chỉ số SPF thay đổi theo độ dày, sít của vải dệt

Những loại vải vóc chống nắng này được các nhà sản xuất sử dụng công nghệ dệt tiên tiến, có bằng sáng chế để tấm vải rất sít sao, chặt chẽ. Vải còn được “gia cố” thêm các thành phần, hóa chất ngăn cản tia cực tím vào sợi chỉ, thuốc nhuộm để sản phẩm tăng khả năng chặn tia tử ngoại hơn. Hiện nay, với sự tiến bộ công nghệ, vải chặn tia UV, chống nắng, ngày càng hiệu quả hơn gần như chặn được tất cả các tia cực tím và giá thành cũng rẻ hơn đáng kể.

Những lưu ý khi chọn trang phục chống nắng

* Màu sắc: Màu sắc quần áo có ảnh hưởng đến độ ngăn cản tia tử ngoại. Những màu sậm và sáng, như đỏ, đen và xanh biển, có độ hấp thụ UV nhiều hơn các màu nhạt như trắng, xanh lơ... Ví dụ, áo thun cotton trắng thông thường chỉ có UPF khoảng 5, coi như không cản tia tử ngoại gì. áo sẽ bảo vệ tốt hơn.

* Kết cấu: Kết cấu vật liệu, sợi dệt, thuốc nhuộm..cũng có ảnh hưởng đến khả năng ngăn chặn tia UV. Các sợi tổng hợp và bán tổng hợp như acrylic, polyester, nylon and lycra, rayon, các loại vải dày đặc, nặng, được dệt chặt như len, denim hoặc vải to sợi là những vật liệu tốt để may trang phục chống nắng. Cần lưu ý, các loại sợi tổng hợp còn có khả năng phản chiếu (reflect) tia tử ngoại hơn các loại vải sợi thông thường.

* UPF: Hệ số chống tia cực tím (UPF) của áo quần được xếp hạng giống như xếp hạng SPF cho kem chống nắng. Cần chọn trang phục có UPF từ 30+ trở lên, tốt nhất là UPS 50+.

* Kích cỡ: Cũng như mũ nón. Trang phục, áo quần càng to, càng rộng, độ che phủ càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt hơn. Áo quần chật làm các sợi vải căng, rách, dãn thớ sợi khiến tia UV lọt qua nhiều hơn.

* Độ ẩm: Khi vải bị ướt, chỉ số UPF có xu hướng bị giảm, đặc biệt vải màu trắng, nhạt sẽ trong suốt khi bị ướt. Ví dụ, một chiếc áo phông màu trắng mỏng với UPF của 5 chỉ có thể có UPF 2 khi ướt.

Thay lời kết

Cần theo lời khuyên y tế chính thống của quỹ Ung thư da Hoa Kỳ (Skin Cancer Foundation): “Ra nắng cần phải kết hợp sử dụng quần áo, kem chống nắng, mũ, kính râm mới đảm bảo an toàn”.

Khi mua sắm trang phục cần lưu ý các tiêu chí vải sợi sau: màu đậm sáng, dệt dày chặt, có UPF cao, may rộng rãi, thích hợp. Hiện nay, nhà sản xuất đã nghiên cứu thiết kế nhiều trang phục chống nắng hiện đại: công năng tốt, tiện lợi, lại rất thời trang...

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam