TPHCM: Tập trung dập dịch bệnh

(Dân trí) - Trước tình tình hình SXH và bệnh tay-chân-miệng vẫn tiếp tục gia tăng với diễn biến thất thường và vừa có thêm 1 ca tử vong, Sở Y Tế TP HCM đã có buổi họp cấp tốc cùng các BV để chuẩn bị cho những hành động quyết liệt phòng chống 2 căn bệnh trên.

Bệnh tay-chân-miệng

 

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 - BV NĐ1), tác nhân gây nên bệnh TCM trước đây đươc biết là Coxsackievi rút, nên còn được gọi là bệnh nhiễm Coxackie hay hội chứng TCM nhưng nay xuất hiện thêm tác nhân quan trọng là Enterovi rút 71 (EV 71) và Coxsackie A 16. Tại BV NĐ1 có đến gần 50% trẻ mắc bệnh TCM bị nhiễm vi rút EV 71. Đây là 2 loại vi rút có khả năng lây lan bệnh hàng loạt và rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết từ mũi miệng, phân hay bọt nước lúc ho, lúc hắt hơi.

 

Bác sĩ Võ Công Đồng, Phó GĐ BV NĐ 2, nhận xét: “Số trẻ nam mắc bệnh TCM gấp đôi trẻ nữ, trẻ thành phố có tỷ lệ nhiễm bệnh gấp 2 lần trẻ ở các tỉnh, hầu hết 24 quận - huyện ở thành phố đều có người bị, các tỉnh ven thành phố bị rất nhiều. Các ca tử vong có triệu chứng bị sốc sớm trong vòng 12 giờ sau khi nhập viện”.

 

Để có thể phòng tốt căn bệnh này, cần phải giữ vệ sinh tốt cho bản thân, nhà cửa, giữ vệ sinh môi trường như dùng nước eau de javel để lau nhà, khử trùng.

 

Bệnh sốt xuất huyết

 

UBND TPHCM đã có chỉ thị yêu cầu các ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng Sở Y tế, để thực hiện tốt công tác phòng chống SXH, và ngày mai UBND TPHCM sẽ có thêm những quyết định mạnh hơn cho công cuộc phòng chống SXH trở thành dịch bệnh tại TPHCM.

 

Sau đợt kiểm tra liên ngành tại 16 quận - huyện vào ngày thứ bảy 7/7/2007 vừa qua cho thấy việc chuẩn bị các phương tiện, nhân lực cùng việc tuyên truyền trong cộng đồng dân cư vẫn còn thấp.

 

Hiện trạng ở các địa phương vừa kiểm tra vẫn còn nhiều việc phải làm: vệ sinh môi trường còn nhiều ao tù nước đọng; cây cỏ mọc cao ở nhiều nơi nhất là vùng ngoại thành, vùng nông thôn; phế liệu đầy dẫy khắp mọi nơi vào mùa mưa trở nên những nơi sinh sản muỗi, ngay cả những nơi xây dựng dở dang cũng tạo nên nhiều thuận lợi cho việc bùng phát dịch bệnh.

 

Những nơi có sự biến động luôn như các khu nhà trọ, vệ sinh môi trường thường rất kém cũng là mầm mống cho dịch bệnh gia tăng.

 

Theo TT Y tế DP, mỗi tuần có 150 ca SXH nhập viện tại TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2007 đã có 2.000 ca SXH. 

 

Ngọc Thanh