TP.HCM: Gần 10.000 ca sốt xuất huyết trong 8 tháng qua

(Dân trí) - TP.HCM bước vào thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết(SXH). Lúc nào bệnh nhân cũng đông. Đặc biệt, có nhiều số ca SXH độ 3, độ 4. Số ca có biến chứng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái”, BS Trần Thị Việt, Trưởng khoa SXH, BV Nhi đồng 2 nhận xét.

Qua báo cáo của BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng TP.HCM, trong 36 tuần lễ đầu năm 2008, toàn thành phố đã có khoảng 10.000 ca mắc SXH. Trong đó, tháng tám có 1.866 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2007.

 

Ngoài ra, trong bảy ngày đầu tháng 9, số ca SXH cũng đã tăng mạnh với hơn 250 ca phải nhập viện, tập trung nhiều ở các quận, huyện như: quận 8, 9, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh… Gần đây một số quận nội thành (Q.5, 11) có xu hướng bùng phát dịch bệnh SXH.

 

Qua đó cho thấy, hoạt động phòng chống dịch SXH ở TP.HCM đã không đạt hiệu quả, đúng như nhận định của Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn (tháng 5/2008), trong một lần vào làm việc tại TP.HCM.

 

Sở Y tế đã đánh giá nguyên nhân làm cho bệnh SXH tiếp tục tăng là do hiệu quả phòng ngừa chưa cao, cán bộ phòng dịch ở nhiều địa phương còn lơ là. Trong khi đó, số ca SXH cũ chưa được xử lý triệt để thì đã phát sinh thêm các ổ dịch mới.

 

Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu TT Y tế dự phòng TP cùng các TT Y tế dự phòng quận huyện triển khai đợt chống dịch khẩn cấp trên toàn địa bàn TP kể từ nay đến 20/10/2008, phải giảm 50% số ca mắc SXH so với hiện nay khoảng 400 ca SXH/tuần.

 

Theo yêu cầu của Sở Y tế, tất cả các ổ dịch mới phải được xử lý nhanh, đúng quy trình dù chỉ có 1 ca SXH ở ổ dịch mới đó. Sở sẽ tiến hành kiểm tra tận các ổ dịch để đôn đốc việc triển khai chương trình chống dịch SXH của UBND xuống các phường xã.

 

Kế đến, các cấp chính quyền địa phương cần vận động người dân làm sạch môi trường, đậy kín các vật chứa nước sử dụng, dọn dẹp các vật phế thải quanh nhà để muỗi không sinh sản và diệt lăng quăng là những việc cấp bách cần làm ngay mới mong kéo lùi số ca SXH.

 

Dịch bệnh SXH đang vào mùa cao điểm vì thế trẻ em và người lớn, khi thấy sốt kéo dài hơn 3 ngày mà không dứt thì nên đến bệnh viện khám để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy.

 

Ngọc Thanh