TPHCM: Báo động tình trạng tăng huyết áp ở học sinh

(Dân trí) - Có tới 15% học sinh trên địa bàn thành phố mắc phải căn bệnh tăng huyết áp. Đây là hệ quả của tình trạng thừa cân, béo phì và lười vận động. Tăng huyết áp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe, phụ huynh cần nhận biết và phòng ngừa sớm cho con em mình.

 

Tăng huyết áp là bệnh nguy hiểm ở trẻ, cần phải được hỗ trợ điều trị (ảnh: minh họa)
Tăng huyết áp là bệnh nguy hiểm ở trẻ, cần phải được hỗ trợ điều trị (ảnh: minh họa)

Đó là thông tin được BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng, TPHCM công bố, căn cứ theo kết quả kiểm tra sức khỏe của học sinh trên địa bàn thành phố trong năm qua. Theo đó, tình trạng tăng huyết áp ở học sinh đang trở thành một vấn đề nóng trong chăm sóc sức khỏe học đường khi có tới 15% học sinh thuộc tất cả các cấp bị tăng huyết áp.

Bệnh lý trên xuất phát từ tình trạng thừa cân, béo phì, lười vận động của học sinh. Kết quả kiểm tra tổng trạng sức khỏe học sinh tại tất cả các quận huyện cho thấy, có tới 41,9% học sinh trên toàn thành bị thừa cân béo phì, trong đó có 19% trẻ bị béo phì, chủ yếu rơi vào nhóm học sinh cấp I.

Tăng huyết áp được y học xếp vào nhóm bệnh “giết người thầm lặng”. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân về chứng bệnh mới xuất hiện ở trẻ em trong xã hội công nghiệp còn ít nên bệnh lý trên thường không được quan tâm hoặc bỏ qua. Tăng huyết áp ở trẻ nếu không can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bởi nó có thể gây tổn thương lên tim, não, thận và mắt.

Bác sĩ khuyến cáo, với những trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị tăng huyết áp như thừa cân, béo phì thì phụ huynh cần sớm đưa con em đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn các giải pháp hỗ trợ điều trị cũng như chăm sóc tại nhà. Trẻ bị tăng huyết áp cần phải duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý; sử dụng thức ăn nhiều chất xơ, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thức ăn nhiều đường, nhiều mỡ; tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên.

Vân Sơn