Tiêm phòng không đúng lịch có đáng ngại?

(Dân trí) - Một vấn đề hay gặp khi tiêm phòng là trẻ dưới 3 tuổi ốm sốt vào đúng dịp tiêm chủng. Các bậc cha mẹ thường rất lo lắng bởi không rõ tiêm không đúng lịch có ảnh hưởng gì tới chất lượng tiêm phòng hay không?

Về nguyên tắc, tiêm đúng lịch là tối ưu nhất vì nó giúp các bậc cha mẹ không nhầm lẫn, nhớ quên và phát huy được tối đa hiệu quả của vac-xin…. Tuy nhiên, trong nguyên tắc tiêm chủng có 2 lưu ý:

 

- Các mũi tiêm có khoảng cách dưới 1 tháng (mũi 1,2, 3 vắc xin viêm gan B; mũi 1-2 bạch hầu – ho gà – uống ván – bại liệt) thì cần tiêm đúng ngày, không được chậm quá 1 ngày.

 

- Đối với các mũi nhắc lại có khoảng cách trên 1 tháng, thông thường là 6 tháng thì có thể chậm vài tuần hoặc lâu hơn.  

 

Như vậy, phần lớn các mũi tiêm có khoảng cách 1 tháng thường rơi vào các bé dưới 6 tháng tuổi, khi sức đề kháng vẫn còn tốt, ít bị ốm đau, bệnh tật. Vấn đề là cha mẹ phải ghi chép cận thẩn lịch tiêm chủng để đưa con đi tiêm đúng ngày.

 

Ngoài ra, một sai lầm mà nhiều bậc cha mẹ thường mắc phải là quên không tiêm nhắc lại cho con các mũi vắc xin có khoảng cách 1 năm, 5 năm. Bởi theo quan niệm của một số người các mũi cơ bản là quan trọng nhất còn các mũi nhắc lại có khoảng cách kéo dài không thực sự cần thiết, có cũng tốt mà không có cũng không sao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên trách về tiêm chủng thì nếu trẻ chỉ được tiêm các mũi cơ bản thì khả năng bảo vệ trẻ khỏi các bệnh sẽ chỉ giới hạn đến năm 4 – 16 tuổi. Còn khi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin có khoảng cách 1 năm, 5 năm, giá trị bảo vệ, phòng ngừa bệnh tật của vắc xin sẽ là suốt đời.

 

Trong trường hợp trẻ sốt cao, nhiễm khuẩn thì cần tránh không đưa trẻ đi tiêm chủng ngay cả khi đó là các mũi tiêm quan trọng (nếu không tiêm, trẻ sẽ phải tiêm lại từ đầu).

 

Nhân Hà

(Tổng hợp)