Tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt trẻ suy dinh dưỡng

(Dân trí) - Theo kết quả điều tra trên 8.000 học sinh tiểu học ở 14 quận huyện của Hà Nội cũ, do Viện Dinh dưỡng Quốc Gia tiến hành, vừa được công bố, tỷ lệ béo phì ở các em bậc tiểu học đã vượt tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt trẻ suy dinh dưỡng - 1

Trẻ mũm mĩm đang ngày càng tăng nhanh, phần lớn nhờ "công" của các bậc phụ huynh
“Cụ thể, cứ 100 em học sinh thì có gần 10,7 em béo phì, trong khi số bị suy dinh dưỡng là 9,3%. Điều này cho thấy, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Giải quyết gánh nặng béo phì vất vả hơn nhiều so với việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, vì béo phì ở trẻ em thường kéo theo một loạt các bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… ”, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng cho biết tại Hội thảo Dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của trẻ vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

30% trẻ béo tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tiểu đường

Đáng nói, nhiều bà mẹ thấy con mình béo phì vẫn chủ quan, cho rằng bé chỉ “bụ bẫm”, chỉ xấu về hình thể, chứ không nghĩ đến một loạt các bệnh lý từ béo phì nguy hiểm khác. Minh chứng cho điều này, PGS Mai cho biết: “Mới đây, Viện Dinh dưỡng đã làm một điều tra ở trường tiểu học Tây Sơn (phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng) cho thấy, sự béo phì ở trẻ em đã ở mức báo động vì có tới 1/3 các cháu béo phì đã có tăng huyết áp, 32% các cháu đã có tăng đường máu. Trong khi đó, nhiều phụ huynh thấy con mình béo không xét nghiệm máu, không đo huyết áp. Đây đều là những bệnh cần phải điều trị lâu dài, tốn kém và rất nguy hiểm cho sức khoẻ”.

Theo bà Mai, nguyên nhân của tình trạng này, đó là hiện nay, trẻ hay được sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, mì ăn liền, bim bim… Đây đều là những thực phẩm cung cấp rất nhiều năng lượng, có chỉ số đường rất cao làm cho trẻ tăng cân mà không phát triển về chiều cao, không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, “bề ngang” của trẻ thì gia tăng, trong khi đó lại thiếu chiều cao”.

Hiện nay cân nặng và chiều cao của trẻ em, đặc biệt là trẻ ở nông thôn luôn thấp hơn mức khuyến nghị của WHO. Ở thành phố có 19,6% trẻ từ 6-10 tuổi bị suy dinh dưỡng, ở nông thôn là 28,2%. Từ 6 tuổi trở đi, chiều cao của trẻ càng thấp hơn so với chuẩn của WHO. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em béo phì cũng ngày một gia tăng. Riêng Hà Nội, tỷ lệ học sinh béo phì là trên 10%, tại TP Hồ Chí Minh trên 20%, cá biệt tỷ lệ béo phì tại một số trường tiểu học lên tới gần 40%. Đáng ngại là theo dự báo của các chuyên gia, số trẻ béo phì vẫn sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là trong 10 năm tới.

Cần điều chỉnh dinh dưỡng cho trẻ

Theo bà Mai, do không nắm vững về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, nên bố mẹ thường mắc sai lầm trong việc chế biến món ăn cho trẻ. Đơn cử như với nhu cầu chất béo của trẻ em, ở mỗi giai đoạn, nhu cầu này hoàn toàn khác nhau với tỉ lệ rất lớn. Nếu không nắm được, việc “áp” theo một tiêu chuẩn chung là nguyên nhân khiến trẻ bị thừa chất béo, gây tích mỡ vòng bụng và gây thừa cân, béo phì.

“Trong thực tế, xu hướng tiêu thụ dầu mỡ trong vòng 20 năm qua tăng rất cao, lên 11 lần. Qua khảo sát, nhiều phụ huynh tiểu học vẫn chế biến bữa ăn cho con, với hàm lượng chất béo chiếm khoảng 35-40% năng lượng khẩu phần. Trong khi đó, nhu cầu về chất béo của trẻ ở lứa tuổi từ 4 tuổi trở lên chỉ khoảng 25% trong tổng năng lượng khẩu phần (càng lớn, nhu cầu này càng ít đi). Khác hẳn với lứa tuổi nhỏ dưới 3 tuổi, hàm lượng chất béo có thể chiếm  tới 40% trong tổng số năng lượng khẩu phần. Vì thế, nếu không thay đổi tỉ lệ này, chắc chắn trẻ sẽ tăng cân nhanh, gây béo phì”. PGS Mai cảnh báo.

Một thực phẩm mà rất quen thuộc với trẻ em hiện nay, đó là bim bim. Hầu hết trẻ em nào cũng thích ăn bim bim và bố mẹ lại thường cho trẻ ăn theo mong muốn. Trong khi đó, bim bim có nhiều mỡ, bột muối (đều là những chất không có lợi cho sức khoẻ), ăn một gói bim bim năng lượng bằng nửa bát cơm nhỏ. Bé vừa ăn nhiều bim bim, lại vừa bị bố mẹ bắt ăn đủ khẩu phần cơm, thức ăn hàng ngày. Việc ăn quá nhiều tinh bột cũng là nguyên nhân gây thừa cân ở trẻ.

“Vòng eo càng tăng, vòng đời càng ngắn. Vì thế, cha mẹ cần nghiêm túc điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ. Vì vòng eo to không chỉ biểu hiện hình thể xấu, mà “tảng băng chìm” là bệnh huyết áp, tiểu đường, tim mạch… mới thực sự đáng ngại. Vì thế, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ và tăng cường vận động thể lực để trẻ có một hình thể tốt, khoẻ mạnh sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ sau này”, PGS Mai khuyến cáo.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ