Thừa Thiên - Huế:

Thuốc tăng giá: Người bán người mua đều khổ

(Dân trí) - Giá thuốc tăng chóng mặt tại thành phố Huế trong những ngày qua làm đặc biệt làm cho người dân, bệnh nhân đi mua thuốc phải “than trời”. Bên cạnh đó, những công ty bán thuốc, trình dược viên cũng than khổ vì giá thuốc biến động liên tục.

Dân nghèo lao đao vì giá thuốc “trên trời”

9h sáng 5/4, tiếp xúc với người nhà của bệnh nhân tại BV TƯ Huế, chúng tôi thấy rõ nỗi lo âu hiện rõ trên khuôn mặt họ khi phải đi mua thuốc.

Cầm trên tay đơn thuốc vừa nhận được từ bệnh viện, anh Trần Văn Nhân (quê Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết: “Em vừa đưa vợ vào đây điều trị bệnh viêm loét dạ giày, tá tràng trên được gần 1 tuần. Mấy ngày đầu em mua thuốc trong bệnh viện nhưng sau ra ngoài mua thì hoảng quá. Giá thuốc đã tăng 2.000-5.000 đồng/vỉ, hiệu thuốc nào cũng tăng giá như thế. Em hỏi thì họ trả lời là các mặt hàng khác tăng nên giá thuốc tăng thôi”.

Thuốc tăng giá: Người bán người mua đều khổ - 1
Tại đường Ngô Quyền (sau lưng BV Trung ương Huế), nhiều người đi mua thuốc điều trị bệnh

Bác Bùi Văn Nghĩa (quê Quảng Nam) có con đang mổ mắt tại viện thì thở dài: “Tôi phải bán con bò lấy 5 triệu ra Huế chữa bệnh cho con. Nhưng thuốc đau mắt mấy hôm vừa rồi tăng quá trời luôn chú ơi. Một lọ thuốc đau mắt hôm đầu tuần tôi mua chỉ 8.000đ, cách ngày sau tăng thêm 2.000đ nữa thành 10.000đ. Bệnh nhân điều trị tại đây đều là người Miền Trung nghèo, giá thuốc cứ leo thang thế nhiều người chắc phải mang người bệnh về nhà vì giá thuốc mất”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (trú số 73/1 đường Duy Tân, TP Huế) mua thuốc tại một cửa hàng dược trên đường Ngô Quyền nói: “Chỉ mua mấy viên thuốc cảm cúm, đau đầu thôi mà hết hơn 100.000đ. Giá thuốc Tây cứ cao như giá xăng với giá vàng vậy. Ai mà không may bị đau thì chắc cũng chết khiếp vì giá thuốc mất”.

Thuốc tăng giá: Người bán người mua đều khổ - 2

Khi hỏi về giá thuốc tại sao tăng cao, nhiều người chỉ nhận được câu trả lời là “giá cả trong và ngoài nước tăng, các mặt hàng khác cũng tăng nên giá thuốc tăng thôi”

Theo một nhân viên bán thuốc trước cổng BV Đại học Y Dược Huế, đường Nguyễn Huệ, TP Huế cho biết: “Giá thuốc tăng trong những ngày qua tại Huế là do giá các loại thuốc này trong cả nước đồng loạt tăng từ 20-35%. Cụ thể, tại một số cửa hàng thuốc tư nhân, các loại thuốc nội thông thường như Vitamin C, thuốc ho bổ phế, long đờm, kháng viêm, thuốc nhỏ mũi, men tiêu hóa... đã điều chỉnh tăng giá, từ 20-35%; đối với thuốc ngoại, nhóm thuốc tăng chủ yếu vẫn là kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, tim mạch với mức tăng từ 4-20%”.
 
Theo anh H., một trình dược viên có kinh nghiệm trong nghề thuốc, hiện đã có trên 70% tổng số mặt hàng thuốc tây tại Việt Nam tăng giá đầu năm 2011. Trong đó có 50% thuốc nhập khẩu và 100% thuốc sản xuất trong nước giá đã tăng. Thuốc nhập khẩu tăng giá từ 5-8%, thuốc sản xuất trong nước tăng cao hơn, từ 10-40%. Lý do chính là hầu hết nguyên liệu tân dược để làm ra viên thuốc đều phải nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc.

Thuốc tăng giá: Người bán người mua đều khổ - 3
Giá thuốc so với hầu bao của người nghèo và người có thu nhập thấp ngày càng tỉ lệ nghịch với nhau

Người bán thuốc cũng khổ vì giá thuốc tăng chóng mặt

Thuốc tăng giá: Người bán người mua đều khổ - 4

Nhiều nhân viên của công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Mạnh Tý - Việt Mỹ tất bật với việc sắp đặt thuốc, cập nhật giá thuốc từng giờ. Hiện công ty đang chật vật với đời sống nhân viên vì chính... giá thuốc tăng cao

Theo Dược sĩ Lê Công Diệp, GĐ Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Mạnh Tý - Việt Mỹ (TT-Huế), hiện hơn 2.500 mặt hàng thuốc của công ty luôn phải cập nhật thông tin từ Hà Nội, TPHCM để điều chỉnh trong từng giờ, từng ngày vì thuốc cứ tăng giá liên tục. Toàn bộ nhân viên phải làm việc liên tục để đảm bảo giá không bị sai sót.

“Giá thuốc chúng tôi tăng từ 4-20% tùy theo chủng loại. Đa số loại thuốc giá rẻ có mức tăng cao hơn các thuốc đắt tiền. Cụ thể các loại thuốc tăng cao là thuốc bổ Philatop, thuốc bổ xương, vitamin và một số kháng sinh dùng ngoài. Công ty chưa sản xuất thuốc được mà phải nhập từ các nhà cung ứng. Giá thuốc Tây đa phần nhập từ nước ngoài về và tính theo USD và hiện nay giá USD, giá xăng tăng nên giá thuốc cũng phải tăng.

Theo ông Diệp, khó khăn lớn với công ty là hiện các gói thầu bán thuốc cho các bệnh viện, cơ sở y tế công trong và ngoài tỉnh chưa hết thời hạn, trong khi đó giá thuốc đã tăng trung bình 15-20% từ khi bão giá nên công ty vẫn phải bù lỗ do trượt giá. Ước tính công ty đã bị lỗ khoảng 10% giá trị hợp đồng.

Đại Dương - Thái Bá