Thuốc hạ sốt cho trẻ: rất dễ nhầm lẫn

(Dân trí) - Thấy con sốt hầm hập gần 39 độ C, chị Lơ, Long Biên, Gia Lâm, HN vội vàng cho con uống 1 gói thuốc bột hạ sốt Pamin dành cho trẻ em. Thế nhưng, đến nửa tiếng sau, sốt vẫn chưa giảm, cuống quýt, chị liền “đút đít” một viên hạ sốt đặt hậu môn.

Nhầm lẫn tai hại

Khi con bị tái sốt nhiều lần, chị mới mang con đến bác sĩ khám và kể lại việc mình vừa cho con uống thuốc, vừa “đút đít” để hạ sốt. Chị nghĩ rằng đường uống khác với viên đút hậu môn, hơn nữa, lại là hai loại thuốc có tên khác nhau nên không ảnh hưởng gì!

Khi bác sĩ giải thích: việc dùng thuốc đường uống và đường hậu môn cùng một lúc là rất nguy hiểm vì bản chất hai loại này đều có hoạt chất chính là paracetamon. Vì dùng liều cao sẽ dẫn tới thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể khiến cơ thể không đáp ứng kịp, chưa kể đến nguy cơ ngộ độc vì dùng quá liều, chị mới thấy "hoảng" vì sự cẩu thả của mình.

Nhưng chị chỉ là một trong số rất rất nhiều bà mẹ đang có những nhầm lẫn tai hại về việc dùng thuốc hạ sốt, giảm đau cho trẻ.

Bé Đức Dũng, 10 tháng tuổi ở khu chung cư Trung Hoà, Nhân Chính mọc liền một lúc 4 cái răng, bé sốt, đỏ lợi, đau nên không chịu ăn uống. Đi khám bác sĩ về, lại được hàng xóm vốn có kinh nghiệm nuôi hai con nhỏ khuyên dùng pamin để giảm đau tấy, sưng đỏ lợi.

Nhìn sổ khám bệnh, chỉ thấy bác sĩ ghi cho uống paracetamol hạ sốt khi bé sốt tiệm 39oC mà không kê loại thuốc gì để giúp bé đỡ đau, sưng đỏ lợi, nên khi bé sốt cao nên chị vừa cho con uống theo đơn vừa theo lời khuyên của hàng xóm.

Chị không hề để ý, tuy tên thuốc khác nhau, nhưng hai loại thuốc này cùng chứa dược chất Paracetamol. Vì thế, việc chị cho con uống cả hai loại này, nếu kéo dài trong nhiều ngày, liều cao rất có nguy cơ bị ngộ độc.

Liều cao = hạ sốt nhanh = nguy hiểm

BS Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn cho biết, các loại thuốc như: Panadol, Pamin, Pamindol, Decolsin, Deconal, Decolgen, Decolgen Forte... đều có chung một hoạt chất chính là Paracetamol. Nhiều người do không biết điều này, uống kết hợp kiểu như Pamin thì hạ sốt, giảm đau, Decogen thì chữa cúm là rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bị ngộ độc do uống nhiều loại thuốc cùng chứa hoạt chất Paracetamol mà không biết.

Hơn nữa, việc uống kết hợp như vậy vô tình đã khiến người bệnh dùng liều cao để hạ sốt nhanh là rất nguy hiểm. Đang sốt cao, nhiệt độ lại hạ xuống đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp càng khiến người bệnh thêm mệt mỏi, ốm hơn.

Hay có những trường hợp, do bị sốt cao, uống thuốc sau 2 tiếng, bệnh nhân lại bị tái sốt, họ không hề băn khoăn, liền uống tiếp một liều hạ sốt mà không lường hết được những ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ.

Vì ngay sau khi uống, Paracetamol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, đạt tới đỉnh cao trong máu khoảng từ 30 đến 60 phút, phân bố nhanh và đồng đều ở các mô trong cơ thể. Paracetamol được chuyển hoá chủ yếu ở gan và một phần nhỏ ở thận thành nhiều hoạt chất khác nhau để thải trừ ra khỏi cơ thể. Nếu uống quá liều Paracetamol sẽ có nguy cơ ngộ độc, làm gan bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến chức năng gan.

Với thuốc hạ sốt paracetamol, tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng mà có liều dùng khác nhau, nhưng mỗi lần uống thuốc phải cách nhau từ 4 - 6 tiếng. Sau khi uống thuốc, cơn sốt xuất hiện khi chưa quá 4 giờ thì không được dùng thuốc ngay mà phải sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như uống nhiều nước, chườm nước ấm, cởi bỏ quần áo...

Chỉ dùng thuốc hạ sốt Paracetamol khi thân nhiệt trên 38,5°C. Không tự ý dùng thuốc kéo dài trên 3 ngày. Ngoài ra, cần lưu ý, khi sử dụng loại thuốc này tuyệt đối không được uống rượu, vì sự kết hợp giữa rượu và Paracetamol gây tăng độc tính đối với gan lên rất nhiều lần.

Thận trọng khi dùng với trẻ, vì cân nặng cơ thể thấp nên dễ quá liều, hơn nữa chức năng khử độc và thải độc của gan và thận chưa hoàn thiện nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc. Nếu trẻ uống 150mg/kg cân nặng trong một ngày là có thể bị ngộ độc. Dùng thuốc cho trẻ đúng liều nhưng kéo dài trên 5 ngày sẽ có nguy cơ ngộ độc vì thuốc được tích trữ lâu ngày trong cơ thể.

Ngộ độc Paracetamol thường để lại các hậu quả nặng về. Triệu chứng ngộ độc ngày đầu là mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, da xanh tái, móng tay móng chân tím tái... Ngày thứ hai có thêm các dấu hiệu nặng hơn như: đau vùng gan, da mắt vàng, đái ít. Ngày thứ 3 và thứ 4 biểu hiện toàn phát, rất nặng, người bệnh rơi vào trạng thái suy đa phủ tạng, hôn mê, sốc… Bị ngộ độc Paracetamol có thể bị tử vong bất cứ lúc nào nhưng thường tử vong sau 7 ngày ngộ độc.

Vì thế, với các thuốc hạ đau, giảm sốt không được dùng tuỳ tiện. Cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, hoạt chất để tránh tình trạng uống các loại thuốc khác nhau nhưng có cùng hoạt chất là paracetamol, gây quá liều, ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ