Thuốc bình ổn giá: nhà thuốc chưa mặn mà

Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã triển khai được hơn 1.000 điểm bán thuốc theo chương trình bình ổn. Chương trình nhằm góp phần ổn định thị trường dược phẩm, giúp bệnh nhân nghèo tiếp cận được với thuốc tây có giá thấp.

 
Thuốc bình ổn giá: nhà thuốc chưa mặn mà - 1

Theo sở Y tế TPHCM, đến nay đã có hơn 1.000 điểm đăng ký bán thuốc bình ổn giá nhưng thực tế không phải nơi nào cũng có thông báo như thế này. Ảnh: Lê Hồng Thái

 

 

TPHCM dự kiến sẽ tiếp tục triển khai chương trình này từ ngày 1/4 tới. Tuy nhiên, theo ngành y tế, để thuốc bình ổn giá đến gần hơn với người bệnh thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

 

Lợi nhuận không cao

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nhà thuốc tư nhân nằm trong danh sách bán thuốc bình ổn giá của sở Y tế TPHCM không treo thông báo, không niêm yết giá, không trưng bày thuốc bình ổn để người bệnh nắm bắt thông tin.

 

Theo chân chị Hà Thị Lê với toa thuốc điều trị viêm xoang do bác sĩ chỉ định, chúng tôi đến nhà thuốc K.L ở quận Gò Vấp. Dù nằm trong danh sách bán thuốc bình ổn giá, nhưng tại đây không có thông báo nào. Tuy vậy sau khi xem toa, nhân viên bán thuốc cho biết: “Bác sĩ không kê thuốc bình ổn, toàn kê thuốc ngoại, thuốc đắt tiền”. Nhân viên này giải thích thêm, thay vì dùng nước muối sinh lý rửa mũi (efticol 0,9%) với giá chỉ 2.200 đồng/lọ thì bác sĩ lại cho toa dùng nước biển sinh lý nhập khẩu từ Pháp (Sterimar) với giá gần 70.000 đồng/lọ. “Rất ít bác sĩ kê toa thuốc có trong danh mục bình ổn”, cô nhân viên này cho biết.

 

Tại một nhà thuốc bán hàng bình ổn trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), trước toa thuốc viêm dạ dày của chị Lê Thị Tâm, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, nhân viên bán thuốc cho hay trong sáu loại thuốc bác sĩ kê toa, nhà thuốc chỉ có một loại thuốc Omeprazon với giá 800 đồng/viên. Do vậy, chị Tâm đành phải mua những loại thuốc “tương đương” với giá cao hơn.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, nhân viên bán thuốc trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cho rằng vì bán thuốc bình ổn giá không lời nhiều và cũng không được tăng giá theo thị trường như các loại thuốc khác, nên chủ tiệm thuốc tây không mấy mặn mà. “Ở đây, loại thuốc bình ổn bán được chỉ có thuốc Paracetamol 500mg và thuốc Efticol 0,9%, dành cho những người cảm cúm xoàng mua lẻ”, bà Nga nói. DS Nguyễn Văn Vĩnh, trưởng phòng quản lý dược của sở Y tế TPHCM, giải thích do thặng số bán lẻ không lời nhiều nên các nhà thuốc tư nhân không mặn mà lắm với chương trình này.

 

Để người dân tiếp cận được thuốc bình ổn

 

PGS.TS Trần Quyết Tiến, phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, thừa nhận dù lãnh đạo bệnh viện luôn nhắc nhở bác sĩ ưu tiên sử dụng thuốc nội để giảm chi phí điều trị, nhưng thói quen sử dụng thuốc ngoại của bác sĩ vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân thường đến trong tình trạng nặng, có tiền sử bệnh kéo dài với nhiều loại bệnh khác nhau, nên tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong toa thuốc không nhiều.

 

13 nhóm thuốc trong diện bình ổn giá

 

Theo kế hoạch của UBND thành phố, năm 2012, TPHCM sẽ đưa 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước vào diện bình ổn giá, với 53 hoạt chất, 70 mặt hàng gồm: thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị các bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, ho, tim mạch, tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, nhỏ mắt, trị giun, trị thấp khớp và vitamin. Thời gian bình ổn bắt đầu từ ngày 1/4/2012 đến 31/3/2013. Theo sở Y tế TPHCM, đến nay, toàn thành phố đã triển khai được hơn 1.000 điểm bán, trong đó 100% nhà thuốc bệnh viện tham gia.

Đánh giá chương trình bình ổn hàng hoá thị trường năm 2011, bộ Công thương cũng nhận định, thuốc chữa bệnh nằm trong danh sách mặt hàng bình ổn giá của Chính phủ và chương trình bình ổn giá thuốc đã được triển khai với nhiều điểm bán, nhưng hiện nay rất khó để có thể tìm được hiệu thuốc có biển báo bình ổn giá. Mặt khác, trong những đơn thuốc của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, khi bác sĩ kê toa thì chỉ kê tên thuốc không kê các hoạt chất nằm trong nhóm được bình ổn; khi bệnh nhân đi mua thuốc thì nhà thuốc hiếm khi tư vấn, hay bán những loại thuốc trong nhóm bình ổn…

 

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, các doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tốt với sở Y tế trong việc tiếp cận các điểm bán thuốc bình ổn nhằm giới thiệu và đưa kịp thời thuốc bình ổn đến các nhà thuốc tham gia chương trình. Nguyên nhân chủ yếu do doanh số mua thuốc của các điểm bán thấp.

 

Trước tình hình trên, theo sở Y tế TPHCM, để người dân tiếp cận được với thuốc bình ổn, cần tăng cường công tác chỉ đạo, nhất là nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn các loại thuốc trong chương trình cho người bệnh. Đồng thời các nhà thuốc cần phải treo băng-rôn thông báo, niêm yết giá cũng như phải tư vấn cho người mua thuốc.

 

Theo Hoàng Nhung

Sài Gòn tiếp thị