Thức tỉnh người điên bằng liệu pháp âm nhạc

Áp dụng phương pháp hình tượng có hướng dẫn và âm nhạc (Guided Image and Music - GIM) vào quá trình điều trị các bệnh nhân tâm thần từ năm 1998, TS. Nguyễn Văn Thọ đã gắn kết 2 lĩnh vực tưởng như chẳng liên quan gì với nhau.

 
Thức tỉnh người điên bằng liệu pháp âm nhạc - 1

BS Thọ đang điều trị cho bệnh nhân V.T

GIM là phương pháp của bà Helen Bonny (một nghệ sĩ violon được đào tạo trở thành nhà liệu pháp âm nhạc và nghiên cứu về hành vi truyền thống (1960), những năm 1970 bà làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu tâm thần Maryland - Mỹ).

 

TS Thọ cho biết: “GIM là dùng âm nhạc cổ điển được tuyển chọn (hầu hết của các tác giả Beethoven và Brahms) và chương trình hóa để tiếp cận với tâm lý bệnh nhân. Có khoảng 30 chương trình trong mỗi quá trình điều trị. Mỗi chương trình dài khoảng 40 phút gồm ba phần: đoạn nhạc mở đầu dùng để kích thích hình tượng, đoạn nhạc ở giữa làm sâu hơn trải nghiệm cảm xúc và những bản nhạc ở phần kết nhằm đưa bệnh nhân trở về trạng thái thức tỉnh bình thường”. 

 

Đơn cử một ví dụ điển hình: bệnh nhân V.T (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) bị tâm thần phân liệt 10 năm, TS Thọ sau khi mở bản nhạc Symphonie Nr.4B của Beethoven liền bảo người bệnh: “Nằm lên ghế thật nhẹ nhàng, bình tĩnh. Hít sâu rồi thở mạnh ra. Sau đó, nhắm mắt lại, thả lỏng hoàn toàn các cơ bắp. Hãy xua đuổi hết mọi ý nghĩ trong đầu óc anh. Và bây giờ, những âm thanh của bản nhạc sẽ đến với anh...”. Kết thúc một chương trình, BS lại trò chuyện với bệnh nhân, hỏi những cảm xúc của bệnh nhân để tìm hiểu những tiềm thức, trạng thái tâm lý của họ.

 

Ông giải thích: “Người bệnh tâm thần luôn bị dồn nén cảm xúc, kiềm chế bản năng. Họ phát bệnh vì ức chế tâm lý nên cần cho họ nghe nhạc cổ điển để khơi mở”. Đối với những người mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm lý thì phương pháp này có hiệu quả rõ rệt. Với bệnh nhân V.T lần đầu nghe nhạc đã... nhảy dựng ra khỏi ghế. “Lúc đó nghe nhạc nổi lên, T. sợ lắm!”, nhưng sau bốn lần điều trị thì “nghe nhạc, T. nhớ mẹ và muốn vẽ lại...” (trước đây V.T là họa sĩ).

 

TS Thọ giải thích: “Tất cả bệnh nhân đều có thể áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc, nhất là những người phát bệnh do căn nguyên tâm lý (ám ảnh, lo âu, trầm cảm...). Tuy mỗi người có sự cảm nhận khác nhau, nhưng qua phương pháp này họ vẫn có thể diễn đạt được ý muốn nói, bộc lộ nội tâm để người chữa trị biết được những xung đột tâm lý được giấu đằng sau vẻ bề ngoài ngu ngơ của họ”.

 

TS Thọ cho biết thêm: “Khi họ đã chơi nhạc thuần thục thì sẽ áp dụng ở cấp độ cao hơn, đó là Liệu pháp âm nhạc ứng tác. Dựa vào những làn điệu dân ca, điệu lý... bệnh nhân tập theo, ban đầu là hát nối rồi ứng tác dần để tập cho họ tư duy nhanh, phản ứng lẹ... Cho bệnh nhân tham gia vào dàn nhạc là liệu pháp tích cực, đề cao tính tập thể. Lúc nào họ cũng tập trung tư tưởng vì thế mà dần dần thay đổi hẳn ý thức, hành vi...”.

 

Theo Hà Đình Nguyên

Thanh niên