Thực phẩm chức năng “lên ngôi” nhờ... bệnh mạn tính

(Dân trí) - Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam trong Ngày hội Quốc tế thực phẩm chức năng và các sản phẩm làm đẹp diễn ra tại TPHCM từ ngày 27 đến 29/6.


T
Thực phẩm chức năng lên ngôi nhờ sự bùng phát của bệnh mạn tính không lây

Theo PGS.TS Trần Đáng, bên cạnh những ưu điểm của cuộc cách mạng công nghiệp hóa, đô thị hóa con người đang phải đối diện với những mặt trái như: thay đổi phương thức làm việc và lối sống sinh hoạt từ lao động chân tay chuyển sang lao động trí óc, chủ yếu làm việc trong phòng kín khiến con người lười vận động; thay đổi về phương thức tiêu dùng, chuyển từ sản phẩm tự nhiên sang các sản phẩm đóng gói, bảo quản sẵn; bên cạnh đó là sự tác động của biến đổi môi trường khí hậu toàn cầu.

Hệ quả của tình trạng trên khiến khẩu phần ăn của con người hàng ngày thiếu hụt các vitamin, khoáng chất gây nên sự gia tăng các gốc tự do trong cơ thể, dẫn đến các bệnh mạn tính không lây như: huyết áp, tim mạch, béo phì, đái tháo đường, ung thư… Từ việc bỏ sức lao động để kiếm tiền nhưng việc ăn uống, sinh hoạt mất cân đối khiến một bộ phận không nhỏ người dân đang phải bỏ tiền để mua các sản phẩm thực phẩm chức năng để giữ sự cân đối trong cơ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các sản phẩm thực phẩm chức năng mang lại cho con người thì việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này đang tồn tại nhiều mặt trái. PGS.TS Trần Đáng cho biết, đây là một lĩnh vực mới nhưng hiện cả nước có 3.500 công ty tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, với 6.800 các loại sản phẩm thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý “tiền kiểm” và “hậu kiểm” đang tạo cơ hội cho sự gian lận trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng được công bố nhập về từ Mỹ và Nhật Bản không đảm bảo chất lượng vừa bị cơ quan quản lý thị trường Hà Nội và TPHCM thu giữ là ví dụ điển hình. Chủ tịch hiệp hội thực phẩm chức năng cũng thừa nhận việc kinh doanh thực phẩm chức năng khó có thể tránh khỏi sai phạm nên cần có chính sách chế tài phù hợp.

Bên cạnh đó, một số cơ quan truyền thông đang tiếp tay cho những sai phạm của hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng. Các đơn vị truyền thông tiếp nhận quảng cáo tùy tiện, không duyệt hoặc đối chiếu thực tế sản phẩm đăng ký từ Cục vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó cho phép thổi phồng tính hiệu quả, “tự phong” thực phẩm chức năng như “thần dược” trị bách bệnh, trị bệnh tận gốc… khiến người tiêu dùng bị “lừa”.
 
PGS.TS Trần Đáng khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng có các tác dụng chuyên môn bao gồm: chống lão hóa kéo dài tuổi thọ; tăng đề kháng; hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị bệnh tật.

Trong đó, tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tật là tác dụng dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và chính các nhà khoa học cũng đang tranh cãi. Thế giới đã sử dụng thuật ngữ “thực phẩm chức năng cho điều trị” tại Việt Nam là “thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị”. Thực phẩm chức năng chứa hoạt chất đánh trực tiếp vào cơ chế gây bệnh cho con người; ngoài tăng sức đề kháng cho cơ thể, thực phẩm chức năng góp phần tăng tác dụng điều trị của tân dược bởi khi điều trị bằng thuốc, tác dụng của thuốc sẽ tiêu diệt cả tế bào ác tính lẫn lành tính nhưng kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng sẽ giúp bảo vệ các tế bào non lành tính cho cơ thể.

Khẳng định thực phẩm chức năng đang đóng góp tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe cho con người, PGS. TS Trần Đáng kêu gọi các công ty sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần: hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng, bên cạnh đó ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành thông tư quản lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng để việc các sản phẩm liên quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Vân Sơn