Thực hành vệ sinh cá nhân: Thói xấu dễ “ngấm” sang con trẻ

Điều tra gần đây về đời sống gia đình và trẻ em cho thấy, phần lớn thói quen của trẻ nhỏ được “kế thừa” từ cha mẹ, ông bà và người thân. Điều lo ngại nhất là những thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lại dễ hấp thụ vào trẻ em hơn cả...

Thực hành vệ sinh cá nhân: Thói xấu dễ “ngấm” sang con trẻ - 1
Bài bích báo được chấm giải cao trong cuộc thi

Gia đình là trường học lý tưởng
 
Các cuộc điều tra về tâm lý và nhận thức của trẻ em về những vấn đề xã hội, nhất là tình trạng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường - những vấn đề thiết thực diễn ra hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh phương pháp giáo dục trẻ nhỏ.
 
Thầy giáo Đỗ Đăng Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Cao (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường”, một cuộc thi viết báo tường về chủ đề này đã được triển khai trong toàn trường. Ngoài ý nghĩa tuyên truyền, đây là cuộc khảo sát hiệu quả về quan điểm, suy nghĩ và nếp sống của các em trong môi trường gia đình. Qua cuộc thi này có thể thấy, mức sống gia đình, thói quen của cha, mẹ, người thân ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến lối sống của các em như thế nào. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là một vài thói quen xấu đang “ngấm” rất nhanh vào trẻ nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng, như ý thức vệ sinh môi trường kém, ăn uống không khoa học, không thực hành rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...
 
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng cho rằng, thói quen của cha, mẹ như con dao hai lưỡi, nếu tốt thì không sao, nhưng ngược lại, nếu xấu sẽ dễ dàng hấp thụ vào con trẻ nhanh hơn chúng ta tưởng. Cuộc thi viết báo tường mới chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp đã cho thấy nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Qua đó cũng cho thấy tình trạng cha mẹ không chú ý thực hành vệ sinh cá nhân và cụ thể là rửa tay với xà phòng đã vô tình tạo thành thói quen xấu về ý thức vệ sinh cho trẻ nhỏ.
 
Sẽ còn nhiều thách thức
 
Bà Nguyễn Thu Huệ cho rằng, thói quen vệ sinh cá nhân như ăn chín uống sôi, rửa tay với xà phòng, tránh xa thực phẩm không rõ nguồn gốc...rất dễ thực thành và tạo thành nếp sinh hoạt trong môi trường gia đình. Nếu các bậc làm cha, làm mẹ biết vận dụng khéo léo và linh hoạt thì việc hình thành những thói quen này cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ là rất đơn giản. Nó sẽ giúp các thành viên trong gia đình phòng tránh được nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong đó có tiêu chảy, giun sán, cúm….
 
Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân” sau 2 năm triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nhiều gia đình đã thay đổi hẳn phương pháp giáo dục con cái hoặc điều chỉnh cách sinh hoạt thường ngày. Nếu như trước kia họ bỏ qua việc dạy bảo con cái những thói quen cơ bản như rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng tránh dịch bệnh thì nay, bản thân họ lại là những tuyên truyền viên, những điển hình mẫu mực trong gia đình để con cái học theo. Tuy nhiên,  bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề đang đặt ra, như sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người dân về dịch bệnh, phong tục sống, sinh hoạt cùng thói quen ăn uống không khoa học.... Đây sẽ là những thách thức không nhỏ mà dự án phải đối mặt trong những năm tiếp theo…
 
Như Hoa