Thụ tinh ống nghiệm dễ sinh con trai hơn

(Dân trí) - Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), giới tính của thai thường là nam, một nghiên cứu tiết lộ.

 

Thụ tinh ống nghiệm dễ sinh con trai hơn - 1


 

Hiện tỉ lệ nam - nữ trong thụ tinh ống nghiệm lên tới 128:100 (tỉ lệ nam nữ trong sinh nở tự nhiên là 105:100). Phát hiện này là của các nhà nghiên cứu Australia, những người tin rằng IVF có thể ảnh hưởng tới tỉ lệ giới tính.

 

Mặc dù các nguyên nhân vẫn chưa được biết một cách rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là vì phôi mầm mang tới tính nam được “trang bị” tốt hơn để sống sót.

 

Họ cũng đề xuất là cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đảm bảo rằng sự mất cân bằng giới tính sẽ không còn xuất hiện khi phương pháp IVF ngày càng trở nên phổ biến.

 

Trưởng nhóm nghiên cứu GS Michael Châpmn, ĐH New South Wales, cho biết: chưa từng ai đặt vấn đề về tỉ lệ giới tính ở nhóm trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sự lựa chọn giới tính là bị cấm ở Australia và chỉ được thực hiện khi có các gen bệnh liên quan tới giới tính.

 

GS Chapman cho biết các phòng thí nghiệm có trách nhiệm đối với sự mất cân bằng này, đặc biệt là quá trình nuôi dưỡng mầm thai trong các ống nghiệm. “Nếu chúng ta phát hiện ra rằng khâu nào trong kỹ thuật này phải chịu trách nhiệm về sự khác thường này và tại sao lại như vậy thì chúng ta có thể đưa tỉ lệ giới tính trở lại mức bình thường”, GS Chapman nói.

 

Những kết luận trên được rút ra từ quá trình nghiên cứu tất cả các trường hợp sinh nở nhờ quá trình điều trị vô sinh ở Australia và New Zealand trong giai đoạn 2002 - 2006 với số lượng lên tới 13.368 trẻ được sinh ra từ 13.165 bà mẹ.

 

Những yếu tố tác động tới cân bằng giới tính

 

Tỉ lệ giới tính cân bằng tự nhiên là ở mức 105 bé trai:100 bé gái.

 

Có một số quan điểm giải thích cho sự mất cân bằng: Ví như quan điểm rằng tỉ lệ tự nhiên này là vì trong số ca sinh non, trẻ tuổi ẵm ngửa tử vong, tỉ lệ bé trai nhiều hơn bé gái; chiến tranh và nạn đói cũng làm tỉ lệ nam chết nhiều hơn nữ.

 

Có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nam được sinh ra nhiều hơn trong những giai đoạn gian khổ, có thể là vì thai nhi nữ cần nhiều năng lượng từ thực phẩm để phát triển hơn.

 

Văn hóa cũng đóng 1 phần vai trò trong việc hình thành tỉ lệ giới tính. Ví dụ, ở nhiều nước châu Á, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã khiến số ca nạo phá thai và giết trẻ nhỏ để lựa chọn giới tính tăng lên.

 
Phương Uyên

Theo DM