Chùm tin:

Thu hồi thuốc KQ3

(Dân trí) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo thu hồi trên toàn quốc đối với loại thuốc KQ3 thận khí hoàn, do chưa được Cục cấp số đăng ký.

Qua kiểm tra trên thị trường, thanh tra Cục Quản lý Dược đã phát hiện loại thuốc này vi phạm các quy chế dược hiện hành như: không ghi lô sản xuất và hạn dùng; trên nhãn thuốc có ghi "Thuốc gia truyền lương y Dương Ngô Hiếu - Bắc Giang".

Trong khi đó, hồ sơ lưu tại Cục Quản lý Dược cho thấy: thuốc KQ3 thận khí hoàn chưa được Cục cấp số đăng ký nên không được phép sản xuất, lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng phát hiện trong thuốc này có chứa tân dược Glibenclamid với hàm lượng 0,044 mg/viên (P. Thanh)

TPHCM: Chỉ có 600 trẻ OVC được điều trị thuốc ARV

 

Thành phố hiện có 4.212 trẻ mồ côi và trẻ bị tổn thương hay ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, được gọi chung là trẻ OVC. Trong đó, có 600/1.000 trẻ nhiễm HIV/AIDS và được sử dụng thuốc điều trị ARV.

 

TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, đã thông tin về những con số trên tại hội thảo chăm sóc trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS diễn ra tại TP HCM.

 

Nhưng những con số trên chỉ được tính dựa trên số liệu từ các nhà mở, trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, các mái ấm, hay từ những tổ chức từ thiện phi chính phủ… Thực tế hiện TPHCM có khoảng từ 60.000 đến 70.000 trẻ OVC với khoảng 2.500 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS từ mẹ hay các nguyên nhân khác.

 

Cũng theo TS Lê Trường Giang, mỗi năm thành phố có thêm khoảng 600 trẻ mới được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV/AIDS, do đó cần phải có một chương trình cụ thể để chăm sóc các trẻ bất hạnh này.

 

Hiện tại, thành phố đã triển khai chương trình chăm sóc đặc biệt cho trẻ OVC từ khi sinh ra cho đến năm 18 tuổi với 6 mục tiêu gồm: chăm sóc về sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm - dinh dưỡng, hay lo cho trẻ OVC chỗ ở, được học hành, được bảo vệ và hỗ trợ về tâm lý, để các em có thêm sự tự tin khi hòa nhập với cộng đồng.

 

Ngoài ra, mở hai phòng khám ngoại tại BV NĐ1, NĐ2 và hai phòng khám tại Trung tâm Tam Bình 2, Mai Hòa để chăm sóc cho những trẻ bị nhiễm HIV/AIDS này.

 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện còn 15 quận, huyện chưa có trung tâm chăm sóc trẻ OVC.

 

Được biết, chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu: “100% trẻ bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp”. (Ngọc Thanh)