Thủ đoạn “ấn định” giá của các công ty dược

(Dân trí) - Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài “ấn định giá”. Các công ty nước ngoài cũng quyết luôn giá, có khi giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc đến 200-300%.

Câu kết để “ấn định” giá

Nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa công bố báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam.
 
Thủ đoạn “ấn định” giá của các công ty dược  - 1
Người dân vẫn phải mua giá thuốc cao do có sự "câu kết" để ấn định giá (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo này, trong hệ thống phân phối dược phẩm Việt Nam, rất dễ nhận ra các dạng liên kết giữa các Công ty môi giới - Công ty nhập khẩu của Việt Nam; giữa Văn phòng đại diện - Công ty TNHH - Công ty dược phẩm trong nước…

Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài “ấn định” giá. Các công ty nước ngoài cũng quyết luôn giá bán buôn và bán lẻ ra thị trường, có khi giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc đến 200 - 300%.

Bà Phạm Quế Anh, nghiên cứu viên, cho biết: Khi phỏng vấn các doanh nghiệp nước ngoài, họ đều nói rằng, giá bán thuốc đã được kê khai trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, và giá bán buôn, bán lẻ do Công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam định giá.

Tuy nhiên, khi nhóm phỏng vấn chính các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam thì họ nói rằng giá cả là do các công ty phân phối của nước ngoài “ấn định”. Một bằng chứng nữa đó là trên báo giá của các công ty này cũng có tên của cả nhà phân phối, nhà nhập khẩu và nhà môi giới!

Có thể hành vi “ấn định” giá này của các doanh nghiệp tuy do “ép buộc” của các công ty có sức mạnh thị trường. Song các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam cũng chấp nhận mức giá đó mà không có phản kháng gì, điều này có nghĩa họ cũng đồng ý và thống nhất ấn định mức giá.

Thực tế trên thị trường phân phối dược phẩm vừa qua, có hiện tượng một công ty A không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh trực tiếp vào Việt Nam mà phải nhập khẩu thuốc uỷ thác thông qua một công ty B. Sau khi lô hàng được nhập về, công ty A này lại “thông đồng” với một công ty C khác để “cắt lô” hàng, bằng cách công ty C sẽ mua lại 50% hay 80% tuỳ khả năng (tuy nhiên, toàn bộ lô hàng này vẫn được lưu kho tại công ty B theo quy định).

Số hàng còn lại sau khi “cắt lô” sẽ được một đơn vị phân phối cho công ty A bán ra thị trường với giá bình thường. Khi hàng trên thị trường gần hết. Công ty A sẽ báo cho công ty C đưa nốt số hàng đã mua ra thị trường với giá tăng cao hơn. Lúc này, thị trường đã hết loại thuốc này, nên giới bán buôn buộc phải mua với giá cao từ công ty C. Hành vi “bắt tay” nhau để cùng hạn chế số lượng hàng hoá trên có nhiều biểu hiện gần giống với hành vi “đầu cơ”.

Đối với thỏa thuận theo chiều dọc, khi một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đối với một số chủng loại thuốc nhất định phải nhập ngoại thì họ có thể lợi dụng sức mạnh này để gây sức ép với chính các nhà phân phối của họ và tạo ràn cản cho các đối thủ cạnh tranh có ý định gia nhập thị trường. Nếu không chấp nhận các điều kiện do họ đưa ra thì thị trường sẽ không có loại thuốc đó trong khi không doanh nghiệp nào khác có khả năng nhập khẩu loại thuốc này.

Ngăn chặn thỏa thuận dọc bằng điều chỉnh Luật

Một trong những yếu tố chính dẫn tới việc giá thuốc ở Việt Nam tăng cao chính là sự độc quyền trong phân phối dược phẩm. Trong kinh doanh, phân phối sản phẩm độc quyền là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của doanh nghiệp mà pháp luật không cấm. Song việc các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền lạm dụng vị trí của mình để thực hiện các hành vi cần phải được ngăn chặn và bị cấm.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một số doanh nghiệp nước ngoài (như Zuellig Pharma, Diethlm, Mega…) trong việc phân phối thuốc có hành vi như: ấn định giá bán buôn, bán lẻ thuốc cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng; áp đặt điều kiện giao tiền ngay mới được nhận thuốc (gây bất lợi cho khách hàng…).

Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Diethelm Việt Nam, Công ty TNHH Mega Lifesciences VN, Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam) đang chiếm vị trí thống lĩnh trong phân khúc thị trường theo nhóm sản phẩm. Điều này thể hiện qua sức mạnh đàm phán với các nhà bán lẻ.

Hiện tượng này dẫn đến luôn tiềm ẩn nguy cơ sử dụng sức mạnh thị trường để áp đặt các điều kiện thương mại bất lợi cho các nhà phân phối, tác động tới giá thuốc trên thị trường theo chiều hướng tăng một cách bất hợp lý và do đó ảnh hưởng bất lợi cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Quế Anh nhận định: Các hoạt động về việc áp đặt giá vẫn diễn ra nhưng hành lang pháp lý vẫn thiếu vắng quy định điều chỉnh dưới hai góc độ đó là: Luật cạnh tranh Việt Nam không điều chỉnh các đối tượng hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam mà có tác động tới môi trường cạnh tranh.

Góc độ thứ hai là luật cạnh tranh chưa điều chỉnh được các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dọc, loại thỏa thuận thường xảy ra trong hệ thống phân phối dược phẩm tại các nước phát triển và đang phát triển.

Bởi vậy, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, về dài hạn, Luật cạnh tranh cần được điều chỉnh và hoàn thiện để có thể kiểm soát được hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh trong nước và các liên kết theo chiều dọc. Đây cũng chính là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn hành vi ấn định giá đã và đang diễn ra như hiện nay.

Lan Hương