Thông tuyến kỹ thuật, người bệnh được hưởng lợi như thế nào?

(Dân trí) - Từ ngày 1/1/2016 sẽ chính thức áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh.

Cũng từ thời điểm này sẽ áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Theo Luật BHYT sửa đổi, việc quy định “thông tuyến” trong Luật sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Nhiều bệnh viện tuyến dưới đang trong cuộc đua cung cấp trang thiết bị, cơ sỏ vật chất và cả nguồn nhân lực để tăng chất lượng khám chữa bệnh nhằm giữ chân bệnh nhân. Ảnh: H.Hải
Nhiều bệnh viện tuyến dưới đang trong "cuộc đua" cung cấp trang thiết bị, cơ sỏ vật chất và cả nguồn nhân lực để tăng chất lượng khám chữa bệnh nhằm "giữ chân" bệnh nhân. Ảnh: H.Hải

Theo đó, từ thời điểm 1/1/2016 quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với những đối tượng khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh. Và từ ngày 01/01/2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.

Theo Bộ Y tế, đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đánh giá về việc mở thông tuyến kỹ thuật cho bệnh nhân có BHYT, Ths.BS Lê Văn Nam, Phó giám đốc Sở y tế Bắc Ninh, Giám đốc BV Sản – Nhi Bắc Ninh cho rằng đây sẽ là một động lực để các bệnh viện chạy đua về chất lượng nhằm thu hút người bệnh.

“Trước đây, bệnh nhân khám BHYT không muốn khám ở BV huyện nhà, muốn sang huyện bên khám cũng khó vì sẽ không được BHYT chi trả. Tuy nhiên, từ thời điểm áp dụng thông tuyến kỹ thuật, người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn. Nếu thấy bệnh viện huyện mình chưa tốt, bệnh nhân có quyền sang bệnh viện huyện bệnh cạnh khám chữa bệnh. Điều này không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh mà sẽ là một cuộc đua về chất lượng với các bệnh viện cùng hạng để thu hút bệnh nhân. Cuối cùng, bệnh nhân vẫn là người được hưởng lợi bởi chất lượng dịch vụ tăng lên”, BS Nam nói.

BS Nam chia sẻ thêm, ngay trong những tháng đầu tiên của 2016 sẽ bắt đầu có sự phân hóa về chất lượng bệnh viện. Người bệnh sẽ tự đưa ra đánh giá về chất lượng bệnh viện trong quá trình họ đi khám chữa bệnh. Bắc Ninh là một tỉnh rất gần Hà Nội, nếu không nhận thức vấn đề này sớm để “đi trước đón đầu”, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật… thì sẽ khó tồn tại, sẽ khó giữ bệnh nhân.

“Khi thông tuyến đi song song cùng tăng giá, giám đốc đơn vị không có sự chuẩn bị trước sẽ bị “choáng” bởi lượng bệnh nhân sẽ giảm nếu bệnh viện không làm việc tốt. Khi đã có sự phân hóa về chất lượng, có nơi thì làm không hết việc, có nơi sẽ không có bệnh nhân, lấy đâu chi phí để duy trì hoạt động của bệnh viện”, phân tích.

Vì thế, BS Nam cho rằng việc thông tuyến kỹ thuật vừa tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh, vừa để người dân có cơ hội được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các bệnh viện. Những BV, những tỉnh càng gần BV lớn càng phải lo đầu tư cơ sở trang thiết bị, đào tạo triển khai kỹ thuật, thái độ phục vụ phải thay đổi, thủ tục hành chính phải bớt phiền hà, giảm chờ đợi. “Bệnh nhân sẽ là người đánh giá chuẩn nhất chất lượng BV trong quá trình chính họ đi khám bệnh. Đây là một cuộc đua lành mạnh góp phần tăng chất lượng dịch vụ y tế”, BS Nam nói.

Hồng Hải