Thèm thịt gà, cứ ăn!

Nếu bạn thèm thịt gà thì tại sao không ăn, bởi các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng, gà vẫn là thực phẩm ngon lành nếu khi chế biến, chúng ta tuân thủ một số nguyên tắc về phòng bệnh ở các nước đang có dịch.

Gia cầm nơi có dịch cũng có thể “chén”, khi...

 

Theo khuyến cáo của FAO, ở những vùng không có dịch của Việt Nam, có thể chế biến và ăn các sản phẩm gia cầm như bình thường nhưng phải thực hiện đúng các quy tắc vệ sinh và nấu nướng chín. Như vậy sẽ không sợ bị nhiễm H5N1.

 

Ở địa phương có dịch cúm, chỉ ăn thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm nếu những thức ăn đó được nấu chín và thao tác, chế biến đúng yêu cầu. Virus H5N1 dễ bị nhiệt tiêu hủy. Ở nhiệt độ đun nấu thông thường (70oC trong tất cả các phần của thức ăn) virus sẽ bị tiêu diệt.

 

Khi ăn, người tiêu dùng phải chắc chắn một điều là tất cả các phần của thức ăn đều đã được nấu chín kỹ (không còn những chỗ màu hồng), và cả trứng cũng phải chín kỹ (lòng đỏ không còn loãng).

 

Tuy nhiên, người tiêu dùng hãy lưu ý về nguy cơ lây nhiễm chéo. Không bao giờ được để nước chảy ra từ thịt gia cầm sống hay sản phẩm gia cầm tươi sống trong quá trình chế biến rơi vào hoặc lẫn vào thực phẩm để ăn sống. Khi thao tác, chế biến thịt gia cầm sống hay sản phẩm gia cầm tươi sống, người tiêu dùng phải rửa tay thật kỹ và sát trùng những chỗ tiếp xúc với sản phẩm gia cầm. Dùng xà phòng và nước nóng rửa tay và khử trùng là đủ.

 

Ở những nơi đang có dịch cúm gia cầm, không được dùng trứng sống để chế biến những thực phẩm mà sau đó không được tiếp tục xử lý bằng nhiệt (nấu chín hay quay nướng).

 

Cúm gà không lây nhiễm qua thực phẩm đã nấu chín. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy người bị nhiễm cúm sau khi ăn thịt gia cầm hay sản phẩm gia cầm được nấu chín kỹ, thậm chí ngay cả khi thực phẩm đó có chứa virus. Vì vậy, các bạn hãy cứ yên tâm ăn gia cầm, đặc biệt là vào dịp Tết này, khi đã thực hiện tốt các biện pháp trên.

 

Lời khuyên về gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn của WHO và FAO:

 

1. Khi mua gia cầm hoặc trứng:

 

- Chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các cửa hàng thấy rõ là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm cao hoặc mua từ những cửa hàng bán lẻ, cửa hàng ăn uống được cấp giấy chứng nhận của Nhà nước về VSATTP.

 

- Tránh mua gia cầm sống, vì cúm gia cầm có thể lây lan thông qua tiếp xúc gần với gia cầm bệnh.

 

- Chọn thịt gia cầm tươi, không có dấu hiệu bệnh chẳn hạn như không mua thịt có màu sẫm khác thường hay có biểu hiện xuất huyết.

 

- Chọn trứng tươi, không có phân bám trên vỏ. Không được mua trứng có vỏ dập, nứt.

 

- Sử dụng sản phẩm gia cầm và nước cốt gà đóng hộp có thể an toàn vì tất cả thực phẩm chế biến sẵn đều trải qua quá trình xử lý nhiệt nên đã tiêu diệt hết virus.

 

2. Khi thao tác với thịt gia cầm chưa nấu chín hoặc đông lạnh:

 

- Không sờ tay vào mắt, mũi và mồm khi đang thao tác với thực phẩm và rửa tay thật kỹ trong vòng 20-30 giây bằng xà phòng và nước nóng trước và sau khi tiếp xúc với bất kỳ thức ăn nào để giữ tay không có virus.

 

- Sử dụng thớt khác nhau cho thực phẩm đã nấu hcín và thực phẩm tươi sống.

 

- Để thịt sống cách xa thực phẩm đã nấu chín và các thực phẩm khác để tránh lây nhiễm chéo.

 

- Nếu bị đứt tay trong khi rửa thịt gia cầm, phải rửa vết thương bằng thuốc sát trùng, băng loại băng không thấm nước và đeo găng tay sạch trước khi rửa thịt gia cầm.

 

- Cọ và rửa thật sạch chậu rửa, dụng cụ làm bếp và thớt bằng nước nóng có pha xà phòng. Vứt bỏ những thớt cũ vì các vết xước có thể là nơi ẩn náu của virus.

 

- Thường xuyên giặt giẻ, bùi nhùi, bọt biển và khăn lau bằng dung dịch thuốc tẩy 10%.

 

3. Khi thao tác với trứng:

 

- Rửa vỏ trứng và tay sau khi thao tác với trứng vì vỏ của chúng có thể dính phân.

 

4. Khi đun nấu thịt và trứng gia cầm:

 

- WHO khuyến cáo phải nấu thịt gia cầm cho đến khi đạt được nhiệt độ bên trong miếng thịt là 70oC trong 30 phút hoặc 80oC trong vòng 1 phút. Để kiểm tra xem thịt đã chín chưa, lưu ý biểu hiện của thịt chín là nước cốt trong và thịt gần xương không còn màu hồng.

 

- Khi nấu bằng lò vi sóng, phải đậy thịt, đảo và xoay thịt đảm bảo sao cho thịt đã chín đều vì có thể còn sót một số chỗ còn nguội lạnh bên trong miếng thịt.

 

- Không bao giờ được đun nấu sơ qua thịt gia cầm rồi cất đi để nấu chín sau.

 

- Phải luộc hay rán chín cho đến khi lòng đỏ đặc quánh.

 

- Không làm những món ăn đòi hỏi phải sử dụng trứng sống hoặc trứng luộc/rán còn loãng lòng (như sốt mayonaise, trứng luộc lòng đào hoặc rán).

 

- Không thao tác thức ăn nhiều hơn mức cần thiết, nên sử dụng dĩa và kẹp.

 

- Không được nhúng ngón tay vào thức ăn để nếm.

 

5. Khi ăn:

 

- Rửa tay thật kỹ trước khi ăn.

 

- Hâm nóng kỹ thịt gia cầm trước khi ăn.

 

- Nếu mua thịt gia cầm nấu chín sẵn phải mua khi còn nóng và mang về nhà ăn ngay.

 

- Không để thịt gia cầm đã nấu chín ở ngoài nhiệt độ phòng quá 2 tiếng đồng hồ. Cho thịt thừa vào tủ lạnh ngay sau khi đã nguội và phải ăn trong vòng 3-4 ngày.

 

- Không được ăn thử thịt gia cầm có màu hoặc mùi hơi khác lạ, hãy bỏ đi nếu thấy nghi ngờ.

 

- Luôn hâm lại thịt gia cầm còn thừa cho đến khi nóng bốc hơi.

 

Theo Vietnamnet