Thêm nhiều địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Bộ Y tế xác nhận đã có 8 địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm (tính đến ngày 31/3). Trong đó, Hà Nội vẫn là điểm nóng nhất với 60 ca mắc tả và một nửa trong số đó có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả.

Các địa phương mới góp mặt trong bản đồ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm là Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang. Các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm còn lại là Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Hà Tây vẫn tiếp tục là cái tên quen thuộc, được nhắc tới trong các đợt dịch tiêu chảy cấp không chỉ vì có số bệnh nhân đông mà còn “nổi tiếng” với tập quán dùng phân tươi tưới rau. Đây cũng là địa phương có nhiều trường hợp tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ khuẩn phẩy tả hiện nay. Riêng tại 6 xã của huyện Thường Tín đã có 57 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 8 trường hợp xét nghiệm dương tính với khuẩn tả.

Trước tình hình số bệnh nhân tiêu chảy cấp do khuẩn tả có xu hướng tăng lên ở nhiều tỉnh phía bắc, Bộ Y tế đã cảnh báo về nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể bùng phát mạnh, nhanh vì thời tiết miền Bắc đã bắt đầu chuyển nắng nóng. Không chỉ có mối nguy từ rau sống, thức ăn hè phố mà nhu cầu uống nước đá sẽ tăng lên, trong khi đó, chất lượng nước đá vẫn chưa được kiểm định chặt chẽ có thể là nguồn lây vi khuẩn tả.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vi khuẩn tả đã lan ra môi trường, có trong nguồn nước, rau sống nên nguy cơ lan rộng ra cộng đồng là rất khó tránh khỏi. Ngoài ra, vi khuẩn tả có thể khu trú ở người lành mang bệnh, sau đó theo phân thải ra môi trường và lây ra các thực phẩm khác. Những tập quán, thói quen xấu như tưới rau sống bằng phân tươi, rửa rau bằng nước cống thải sinh hoạt trong khu dân cư, ngại rửa tay bằng xà phòng, thích ăn rau sống, đồ gỏi… chính là những mối nguy lây bệnh cao nhất.

Nguy hiểm hơn, nhiều người dân dường như rất chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh đang cận kề, vẫn vô tư ăn rau sống, ăn thức ăn hè phố không đảm bảo vệ sinh. Trên thực tế, kết quả kiểm tra tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội cho thấy, các quán ăn trong chợ, hè phố… vẫn tràn lan rau sống và người dân vẫn vô tư ăn. Hay như quan sát của phóng viên, tại các quán cóc vỉa hè, người dân vẫn vô tư thưởng thức ly nhân trần, trà đá mát lạnh với… đá cây không rõ nguồn gốc đã được đập nhỏ.

Trong khi đó, mùa hè nóng nực gần kề cũng là “mùa” của các bệnh về đường tiêu hóa tăng nhanh. Vì thế, nếu vẫn giữ những tập quán, thoái quen sinh hoạt, ăn uống mất vệ sinh sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị, các địa phương cần tập trung, khẩn trương phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Cần đẩy mạnh hơn việc kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố và những thực phẩm có nguy cơ cao, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.
 
Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo người dân phải thực hiện nghiêm 4 biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp, gồm: giữ vệ sinh ăn uống, không ăn thức ăn sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là các loại rau sống, gỏi, tiết canh.

Hồng Hải