Thấy tê bì tay chân: Coi chừng liệt vận động, mất khả năng tình dục

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, tê bì tay chân nếu để nặng và kéo dài có thể làm hạn chế cử động, thậm chí bị liệt vận động tay chân, mất khả năng tình dục.

Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện 1A (TPHCM) đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị vấn đề về xương khớp khá nặng.

Bệnh nhân tên N.Q.M. (48 tuổi), nhân viên quản lý tại một ngân hàng ở TPHCM. Khai thác bệnh sử, trước đó 7 năm bệnh nhân đã có biểu hiện đau vùng cổ. Cơn đau lan xuống 2 tay dẫn đến tê bì, khiến bệnh nhân khó cầm nắm khi vận động hoặc tham gia chức năng tay trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cũng đau nhiều vùng thắt lưng. Bệnh nhân đã uống thuốc tây và tập vật lý trị liệu nhiều nơi nhưng không cải thiện.

Thấy tê bì tay chân: Coi chừng liệt vận động, mất khả năng tình dục - 1

Nam bệnh nhân bị tê bì tay nhiều năm (Ảnh: BS).

Năm 2022, một bệnh viện ở TPHCM chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng, trượt đốt sống L3/L4 ra trước.

Phía bệnh viện cho bệnh nhân uống thuốc giãn cơ, giảm đau và kháng viêm nhưng không thể trị dứt điểm bệnh.

Đến năm 2023, cơn tê bì tay chân của bệnh nhân xuất hiện càng nhiều, vùng thắt lưng đau tăng dần và lan xuống mông, khiến sinh hoạt rất bất tiện, khó khăn. Lúc này, bệnh nhân đến Bệnh viện 1A để "cầu cứu".

Sau khi khai thác bệnh sử và tiến hành khám kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mất cân bằng cơ cả thân trên, thân dưới và chi dưới.

Cụ thể, vai bệnh nhân tròn xệ, lưng gù, đầu nhô ra phía trước, thắt lưng quá ưỡn và khung chậu lệch, mất đường cong sinh lý cột sống. Tất cả điều này làm gia tăng áp lực, thay đổi trọng tâm lên vùng cột sống cổ và thắt lưng gây căng mỏi cơ, thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh gây đau lan dọc các chi.

Để xử lý tình trạng trên, bác sĩ điều trị đã tiến hành hiệu chỉnh cơ xương khớp, tái tạo sự cân bằng cơ các vùng bị lệch, tái lập đường cong sinh lý cột sống thắt lưng. Sau hai liệu trình điều trị, bệnh nhân cải thiện đến 95% vấn đề, hiện đã trở lại cuộc sống bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A cho biết, tình trạng tê bì chân tay ban đầu có thể chỉ là các triệu chứng nhẹ, như tê các đầu ngón tay, ngón chân, bàn chân, cảm giác bị châm chích.

Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể nặng thêm và kéo dài, khiến tình trạng đau tê bì sẽ lan dọc theo cánh tay, cẳng tay, đùi, cẳng chân, kèm theo mỏi cơ, mỏi khớp gây ảnh hưởng đến vận động sinh hoạt hàng ngày.

Thấy tê bì tay chân: Coi chừng liệt vận động, mất khả năng tình dục - 2

Tình trạng tê bì tay chân khi để nặng và kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh: BS).

Người bệnh sẽ có cảm giác tê, đau mỏi khó chịu, đôi khi mất đi cảm giác, có lúc lại đau sâu, buốt. Người bệnh cũng có thể bị hạn chế cử động do đau, thậm chí bị liệt vận động tay chân. Trầm trọng hơn là tình trạng liệt các cơ quan vùng chậu, gây tiêu tiểu không kiểm soát, mất khả năng tình dục. Người bệnh sẽ cảm thấy mất hết năng lượng, mất ăn mất ngủ, không làm được việc, tinh thần mệt mỏi, suy sụp.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết, nguyên nhân chính của triệu chứng tê bì là do các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép theo nhiều cơ chế khác nhau. Trong đó, có 7 nhóm bệnh lý phổ biến gây tê bì tay chân.

1. Mất cân bằng cơ xương khớp

Mất cân bằng cơ gây lệch vẹo xương khớp. Nguyên nhân do ngồi nằm nhiều và sai tư thế kéo dài, do viêm cơ, viêm thần kinh cơ, chấn thương cơ, loạn dưỡng cơ, lao động nặng nhọc, chơi thể thao, sử dụng smartphone, vi tính sai tư thế và thói quen lười vận động.

2. Thoát vị đĩa đệm

Nghiên cứu cho thấy, có đến 80% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có triệu chứng tê bì chân tay. Đây là bệnh lý thường gặp ở đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng, với những triệu chứng như đau nhức, tê cứng bắp tay, vùng đùi, bắp chân, tê bì đầu ngón chân, tay.

Tùy vào thể thoát vị mà bệnh nhân có thể bị 1 hoặc cả 2 tay, 2 chân cùng lúc. Nếu không được điều trị dứt điểm có thể teo cơ hoặc bại liệt toàn thân. 

3. Hẹp ống sống, trật đốt sống, viêm khớp hay thoái hóa cột sống

Theo bác sĩ, hẹp ống sống là dạng bệnh bẩm sinh. Còn trật đốt sống do vận động mạnh hoặc các cơ vùng cột sống mất cân bằng trong thời gian dài, gây chấn thương các rễ thần kinh, làm tình trạng tê chân tay cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Riêng hiện tượng tê tay chân do thoái hóa thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.

Thấy tê bì tay chân: Coi chừng liệt vận động, mất khả năng tình dục - 3

Đau vùng cổ có thể lan ra nhiều nơi, dẫn đến tê bì tay chân (Ảnh minh họa: BS).

4. Đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể là hậu quả của 3 nhóm bệnh lý trên. Bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày nên cần phải đi khám và điều trị sớm nếu các dấu hiệu lâu ngày không thuyên giảm.

5. Viêm đa dây thần kinh

Bệnh hay gặp ở những bệnh nhân suy nhược cơ thể, thiếu một số vitamin thiết yếu như B1,B6, B12... khiến cơ thể rơi vào sự mệt mỏi kéo dài, thần kinh ngoại biên bị tổn thương, gây tay chân tê bì thường xuyên. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi.

6. Bệnh lý mạch máu ngoại vi

Hút thuốc lá và tiểu đường là 2 tác nhân gây nguy cơ mắc bệnh mạch ngoại vi cao. Giãn tĩnh mạch là bệnh có yếu tố di truyền. Người bệnh sẽ có cảm giác đau như bị châm chích ở chân. Cuối ngày, mắt cá chân thường sưng phù.

7. Chèn ép thứ phát

Bệnh hay gặp ở phụ nữ mang thai hoặc người uống thuốc gặp tác dụng phụ. Đặc biệt trong tam cá nguyệt cuối, thai nhi lớn làm tử cung to, chèn ép các mạch máu vùng chậu, gây giảm tưới máu chi dưới, nhất là khi ngồi, đứng hay nằm ngửa lâu.

Bác sĩ cho biết, bệnh này có thể thuyên giảm triệu chứng bằng cách thay đổi các tư thế.