BV Trung ương Huế:

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim

(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới, BV Trung ương Huế đã thực hiện thành công 2 ca nối bàn tay với cánh tay và cấy máy tạo nhịp tim 3 buồng cho 2 bệnh nhân nặng.

Ghép thành công bàn tay gần đứt lìa
 
Ngày 8/1, chị Trần Thị Thương (47 tuổi, trú Phong Chương, Phong Điền, TT- Huế) nhập viện với bàn tay trái bị đứt gần lìa khỏi cánh tay trong tình trạng lõng lẻo, đứt mạch máu, đứt gân, vỡ xương, toàn bàn tay thâm tím.

Theo người nhà nạn nhân, sáng cùng ngày, khi chồng chị Thương thức dậy và bảo chị nấu cơm để ăn đi làm thì giữa hai vợ chồng có lời qua tiếng lại. Bực mình vì vợ không nghe lời, chồng chị Thương lấy rựa chặt vào nồi cơm điện, lúc đó chị Thương đưa tay chụp lấy nồi cơm thì dính ngay nhát dao của chồng.

Ngày 9/1, sau hơn 7 giờ đồng hồ phẫu thuật, bàn tay của chị Thương đã được nối vào cánh tay. Hiện, chị Thương đang nằm điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục tốt, bàn tay đã hồng hào và co duỗi được.

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim - 1
Các BS phẫu thuật nối ghép bàn tay đứt lìa cho chị Trần Thị Thương

Trước đó, ngày 31/12/2011, BV Trung ương Huế cũng tiếp nhận nạn nhân Nguyễn Thị Tuyết Nga (30 tuổi, trú 206, đường Phan Bội Châu, TP Huế) nhập viện cũng trong tình trạng bàn tay trái bị đứt lìa khỏi bàn tay.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, các bác sỹ cũng đã nối thành công. Theo bệnh nhân Nga, do mâu thuẫn với người yêu nên Nga đã tự lấy dao chặt vào tay mình.
 
Cấy thành công máy tạo nhịp tim 3 buồng cho 2 bệnh nhân
 
Những ngày đầu năm mới 2012, Khoa Cấp cứu tim mạch - Trung tâm Tim mạch, bệnh viện Trung ương Huế đã cấy thành công 2 trường hợp máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (hay còn gọi là máy tạo nhịp tim 3 buồng).
 
Hai bệnh nhân Trần Th. (73 tuổi) và Phan T. (76 tuổi) đều vào viện vì khó thở dữ dội do đợt nặng lên của suy tim. Chức năng tim của hai bệnh nhân lúc nhập viện rất kém. Sau khi điều trị thuốc tích cực, cả 2 bệnh nhân được các bác sĩ hội chẩn và có chỉ định đặt máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim hay còn gọi là máy tạo nhịp 3 buồng vì có ba điện cực vào 3 vị trí nhĩ Phải, Thất phải và Thất Trái. Cả 2 ca mổ đều do TS.BS Nguyễn Cửu Lợi - Trưởng khoa Cấp cứu tim mạch và ThS.BS Tô Hưng Thụy thực hiện.

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim - 2

Vị trí ba điện cực trên tim bệnh nhân Trần Th.

Sau 4 ngày cấy máy cả hai đều đi lại bình thường và đều tăng khả năng gắng sức giảm khó thở rõ rệt.

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim - 3

Điện tâm đồ QRS dãn rộng trước cấy máy của bệnh nhân Phan T.

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim - 4
Điện tâm đồ QRS hẹp lại sau cấy máy của bệnh nhân Phan T.

Theo BS Tô Hưng Thụy, điều trị suy tim quan trọng nhất vẫn là chế độ tiết thực và dùng thuốc. Tuy nhiên đối với các bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm nặng và có QRS dãn rộng trên điện tâm đồ nhất là bloc cành Trái hoàn toàn (điều này thể hiện các thành tim co bóp không đồng bộ và đây là nguyên nhân làm trầm trọng thêm suy tim) thì cấy máy tạo nhịp 3 buồng sẽ giúp các thành tim co bóp đồng bộ trở lại, giúp cải thiện phân suất tống máu, giảm hở 2 lá.

Theo các nghiên cứu lớn đa trung tâm, máy tái đồng bộ giúp cải thiện rõ chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân sẽ giảm khó thở, giảm tần suất nhập viện do suy tim. Tuy nhiên, máy tạo nhịp 3 buồng chỉ hiệu quả khi bệnh nhân thật sự có chỉ định cấy máy, kỹ thuật cấy điện cực tốt và theo dõi máy - điều trị thuốc thật tốt sau cấy máy.

Hiện, giá một máy tạo nhịp tim 3 buồng của Mỹ (St.Jude) tại Trung tâm Tim mạch Huế khoảng 170 triệu (chưa khấu trừ bảo hiểm y tế). Có xu hướng khác là tích hợp máy phá rung trong máy tạo nhịp tim 3 buồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như giảm tỷ lệ đột tử trên bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên giá thành loại máy này hiện nay là rất đắt.

Thành công ca nối bàn tay bị đứt lìa và cấy máy tạo nhịp tim - 5

Bệnh nhân Trần Th. (trái) đã khỏe lại sau ca đặt máy tạo nhịp 3 buồng

Cùng với thành công của ghép tim tại Trung tâm Tim mạch Huế, đội ngũ các bác sĩ ở đây đã nắm vững kỹ thuật và triển khai thành công việc cấy máy tạo nhịp 3 buồng, mở ra triển vọng cứu sống cho bệnh nhân suy tim ở khu vực miền Trung.

Đại Dương